Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, trưa 16/10, nhiều học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa.
"Số học sinh này được đưa vào Trạm Y tế Liên Nghĩa chăm sóc, hiện tình trạng đã ổn định, được về nhà theo dõi; không có trường hợp nặng", nguồn tin này cho hay.
Báo Lâm Đồng cho biết, theo lãnh đạo Trường THCS Lê Hồng Phong số học sinh bị đau bụng, nôn mửa nêu trên là học sinh lớp 6 của trường.
Sáng 16/10, các em thi đấu và đạt giải môn thi bóng đá nam nên được phụ huynh xin phép giáo viên chủ nhiệm mua trà sữa từ bên ngoài vào cho các em uống.
Trong khoảng 46 em uống trà sữa thì sau đó 16 em có dấu hiệu đau bụng, nôn mửa. Nhà trường nhanh chóng đưa tất cả học sinh uống trà sữa đến Trạm Y tế Liên Nghĩa và Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng kiểm tra, điều trị.
Lãnh đạo Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết nhà trường, phụ huynh, cơ quan y tế sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng của các em để kịp thời xử lý nếu có dấu hiệu bất thường.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện như sau: Đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng hoặc có ra máu, mệt mỏi, ớn lạnh, chán ăn…Một số người có thể không gặp phải các dấu hiệu đã được đề cập ở trên hoặc có thêm những biểu hiện bất thường khác.
Các biểu hiện này thường diễn ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, uống thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Thậm chí, trong một số trường hợp, người bệnh có thể khởi phát sau vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Bệnh có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày.
Khi nhận thấy các dấu hiệu ngộ độc trở nên nặng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được các bác sĩ cấp cứu, thăm khám kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của chuyên gia y tế.
Như Quỳnh(T/h)