UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây ra ngộ độc
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm người nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, thuốc, vật tư để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn đối với tuyến huyện về quy trình điều tra, lấy mẫu, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; cử cán bộ hỗ trợ tuyến huyện tiến hành điều tra, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ra ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định. Phối hợp với Sở Y tế trong việc điều tra nguyên nhân, cung cấp hồ sơ, thông tin liên quan đến nguồn gốc thực phẩm và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc triển khai các hoạt động phòng ngừa; điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Trường hợp có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn quản lý, triển khai ngay việc sơ cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc; điều tra, xử lý, lấy mẫu thực phẩm để gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Mới đây nhất, vụ ngộ độc bánh mỳ Phượng xảy ra trên địa bàn đã dóng lên hồi chuông cảnh báo. Cụ thể, từ ngày 12/9 đến 14/9, hàng trăm người dân và du khách đã phải nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng (02 Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An).
Cụ thể, thời gian xảy ra ngộ độc là 11h ngày 11/9. Số người ăn bánh mì Phượng vào ngày 11/9 là khoảng 1.900 người (số bánh mì cơ sở này bán ra trong ngày là 1.920 ổ).
Tổng số người bị ngộ độc và nhập viện đến sáng 14/9 là 313 người (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoại tỉnh; ngoài ra có ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại).
Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm: Sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.
Ngày 3/10, tiệm bánh mì Phượng bị xử phạt 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời gian 3 tháng.
Nguyễn Linh (T/h)