+Aa-
    Zalo

    Ký ức khó quên của "Thanh phượt" người Việt duy nhất vượt Thái Bình Dương bằng bè tre (kỳ cuối)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Phượt thủ” nổi tiếng ngày nào quay trở về với cuộc sống thực tại, chật vật lo “cơm, áo, gạo tiền” cho gia đình, trong khi ước muốn cuộc đời vẫn chưa thực hiện được.

    Sau khi cùng đoàn thám hiểm Quốc tế trên chiếc bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương từ Hồng Kông (Trung Quốc) tới Mỹ, ông Lợi - người lái chiếc bè đã nổi tiếng và được cả thế giới biết đến là người Việt duy nhất làm được điều này. Sau cảm giác tự hào, hạnh phúc, “phượt thủ” quay trở về với cuộc sống thực tại, phải chật vật với cảnh lo “cơm, áo, gạo tiền” cho gia đình. Tròn 60 tuổi, nhưng ước muốn nhỏ nhoi của đời ông vẫn chưa thực hiện được.

    Kỳ cuối: “Người hùng” trở về chật vật với nỗi lo cơm áo và ước mơ nửa đời dang dở

    Cuộc sống nghèo khó của “người hùng” một thuở

    Năm 1994, sau hơn 6 tháng lênh đênh trên biển, cùng với đoàn thám hiểm Quốc tế vượt Thái Bình Dương bằng chiếc bè tre Sầm Sơn, ông Lương Viết Lợi đã trở về quê nhà với gia đình. Ngày đoàn viên sau chuyến đi “sinh tử”, vợ chồng, cha con, anh em ông Lợi “mừng mừng, tủi tủi” ôm nhau khóc. Họ khóc vì quá vui mừng khi ông đã bình an trở về, khóc vì niềm tự hào là người Việt duy nhất đến nay đi trên bè tre gắn buồm vượt gần 11.000km từ Hồng Kông tới Mỹ.

    Bà Nguyễn Thị Mộc (vợ ông Lương Viết Lợi) tâm sự: “Khi biết ông Lợi nhận lời đề nghị của ông Tim Severin lái chiếc bè đưa đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương, tôi cũng rất lo lắng, Nhưng, tôi tin vào chồng mình, tin vào tài năng và sự tính toán của ông Tim Severin và các thành viên đoàn. Tôi mong chồng thành công để chứng minh được một điều là người nước ngoài làm được thì người Việt cũng làm được”.

    Những hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt cùng với đoàn thám hiểm trên chiếc bè tre luôn được ông Lợi lưu giữ và coi như là bảo vật của đời mình.

    Trở về Việt Nam, thời gian đầu, ngư dân Lương Viết Lợi sống trong cảm giác tự hào, hạnh phúc vì đã cùng những người bạn quốc tế thực hiện chuyến hải trình có một không hai. Ông đã chứng minh cho cả thế giới biết một điều, người Việt không thua bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới.

    “Nếu Tim Severin đi được thì tôi cũng đi được” – Đây là câu nói trước đây khi ông Lợi nhận được lời đề nghị của nhà thám hiểm Tim Severin lái chiếc bè tre vượt Thái Bình Dương.

    Cả thị xã Sầm Sơn lúc này đều biết tới người hùng Lương Viết Lợi. Các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước tìm tới phỏng vấn và viết nhiều về ông, về chuyến vượt biển “có một không hai”.

    Rồi niềm vui, niềm tự hào cũng qua, ông trở lại cuộc sống đời thường. Lúc này, số tiền 1.200 USD được ông Tim Severin trả công cho chuyến thám hiểm chỉ đủ cho gia đình 5 - 6 miệng ăn của ông Lợi trong thời gian ngắn. Để tính kinh tế lâu dài, ông Lợi định mua một miếng đất tại mặt đường của thị xã Sầm Sơn để vợ chồng mở quán cà phê buôn bán, lưu giữ và giới thiệu về chuyến vượt Thái Bình Dương cho khách du lịch và bạn bè quốc tế biết, nhưng rồi, dự định ấy không thành hiện thực.

    Ước mơ chưa thành

    Với số tiền còn lại, ông Lợi đã mua một chiếc xe máy để chạy xe ôm chở du khách xuống tham quan và tắm biển Sầm Sơn, qua đó tích góp tiền để tiếp tục nuôi ước mơ mở quán cà phê. Tuy nhiên, sau một vụ tai nạn lúc chạy xe, ông Lợi cũng phải bỏ nghề xe ôm của mình.

    “Từ đó tới nay, tôi chỉ muốn mở một quán cà phê ở TP. Sầm Sơn. Tôi sẽ làm và bày bán các hiện vật liên quan đến chuyến vượt biển để kiếm sống và tạo không gian văn hóa để lưu giữ, truyền tải cho con cái về nghề đóng bè tre, về kinh nghiệm đi thuyền buồm nhưng cũng không thực hiện được vì không có đất", ông Lợi kể.

    Nổi tiếng nhưng gia cảnh vẫn nghèo, nhiều người còn dè bỉu, chê bai, khích bác nên có lần buồn chán quá, ông Lợi lên chùa xin đi tu. Nhưng, sư thầy bảo với “phượt thủ” là ông chưa đủ duyên, còn nặng nợ với đời nên đành quay về.

    Ông bảo, lúc 16h ngày 17/5/1993, tức là trước khi khởi hành chinh phục đại dương cùng đoàn thám hiểm, trả lời phỏng vấn báo chí tại Hồng Kông (Trung Quốc), ông đã nói mong muốn của mình sau khi thực hiện xong chuyến đi là mơ ước “mở một quán cà phê phục vụ các bạn đến quê hương, đất nước tôi”.

    Thực tế, sau khi trở về ông Lợi đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng này lên chính quyền thị xã Sầm Sơn nhưng không nhận được sự giúp đỡ. “Nhiều đời chủ tịch thị xã tiếp nhận đơn của tôi, nhưng rồi họ đều quên đi. Có ông Trịnh Huy Triều - Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn lúc đó quan tâm, hứa sẽ giải quyết nhưng chưa làm được gì thì ông ấy chuyển công tác”, ông Lợi nói.

    Năm 1996, Nina - cô họa sĩ trong đoàn thám hiểm năm xưa quay trở lại Sầm Sơn thăm ông Lợi. Thấy gia cảnh bạn quá khó khăn, cô đã đưa ông ra Hà Nội, nhờ người phiên dịch của mình giúp đỡ ông Lợi củng cố tiếng Anh với hy vọng ông sẽ kiếm được công việc tốt hơn. Tuy nhiên, người phiên dịch này lại xin cho ông Lợi đi làm phụ hồ thay vì bổ túc tiếng Anh như đã hứa với Nina. Biết chuyện, Nina rất tức tối, đến đón ông Lợi từ trong lều của công nhân xây dựng đến khách sạn ở rồi đưa ông đi học tiếng Anh.

    Từ năm 1996 - 2002, ông Lợi đi làm cho một khách sạn ở Hà Nội kiêm hướng dẫn viên du lịch. Sau đó làm tiếp cho một công ty của Nhật đến năm 2006 thì về quê làm bảo vệ cho một khách sạn gần nhà đến 2011. Hiện tại, khi bước sang tuổi 60, ông Lợi ở nhà bế cháu giúp đỡ các con mình. “Phượt thủ” vẫn đau đáu một ước mơ chưa thực hiện được là mở một quán cà phê nhỏ tại TP. Sầm Sơn để ngày ngày kiếm sống và có cơ hội tiếp cận với khách du lịch để quảng bá về con người, văn hóa quê hương xứ Thanh, về hành trình cùng đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương năm xưa.

    Xuân Chinh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 55

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-kho-quen-cua-thanh-phuot-nguoi-viet-duy-nhat-vuot-thai-binh-duong-bang-be-tre-ky-cuoi-a269674.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ký ức những chuyến đi biên giới

    Ký ức những chuyến đi biên giới

    Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản.