Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học tới được tổ chức theo Chương trình GDPT mới. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN). Vì vậy, định hướng đề, nội dung và số lượng môn thi được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm.
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, thay thế Thông tư số 11/2014.
Học sinh mong phương án thi sẽ "nhẹ nhàng"
Trước điểm mới của kỳ thi, chị Đặng Thị Thùy Giang - phụ huynh tại quận Lê Chân, TP.Hải Phòng bày tỏ trên báo Giáo dục & Thời đại, năm đầu tiên thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới, nhà trường và phụ huynh đều lo lắng.
Hình thức thi hoàn toàn mới, chỉ môn Ngữ văn là tự luận; các môn khác trắc nghiệm trong khi học sinh chưa làm quen nhiều với hình thức này. Hơn nữa, ngữ liệu môn Ngữ văn được lấy ngoài sách giáo khoa cũng là một thách thức với học sinh và định hướng ôn tập của thầy cô.
Chị Trần Minh Thư - phụ huynh huyện An Dương, Hải Phòng cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng áp lực, căng thẳng, đặc biệt năm nay thi theo chương trình mới. Phụ huynh mong thành phố sớm có quyết định số môn thi, nên chăng chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để học sinh không quá vất vả.
Nếu thi môn thứ 4 mà chọn liên môn KHTN có nghĩa học sinh phải học thêm 3 môn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) thành 6 môn phải ôn thi; và sẽ ôn thi 5 môn nếu chọn liên môn Lịch sử - Địa lý. Thời gian ôn tập ngắn mà học tới 6 môn thi thì chất lượng không thể cao.
Em Đào Thị Khánh Ngân - lớp 9A7, Trường THCS Trương Công Định, quận Lê Chân trải lòng, đối mặt với kỳ thi vào lớp 10, chúng em không tránh khỏi áp lực. Mong rằng, năm đầu tuyển sinh theo chương trình mới sẽ có phương án thi “nhẹ nhàng”.
Tương tự, em Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, em rất lo lắng về môn thi thứ 3, nếu địa phương lựa chọn bài thi tổ hợp thì kỳ thi sẽ khó hơn rất nhiều.
“Trong khi chờ đợi phương án thi mới, em và các bạn đang dồn sức học và ôn tập đều các môn để không bị động”, Đại đoàn kết dẫn lời Chi cho biết.
Nên sớm công bố môn thi thứ 3
Nêu quan điểm về phương án thi lớp 10 THPT năm 2025, nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng nên sớm công bố môn thi thứ 3 và có tính ổn định để giảm áp lực cho học sinh.
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc môn thi thứ 3 vào lớp 10 thay đổi hàng năm là không cần thiết, gây thêm những áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh. Thay vào đó, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm.
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần chú ý tới tính ổn định của kỳ thi. Như vậy, tâm lý và cách dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ ổn định, không phải thấp thỏm chờ đợi công bố môn thi thứ 3 mỗi năm.
Nhằm giảm bớt áp lực tâm lý cho học sinh, cô Phạm Thị Thúy Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Sơn, huyện An Dương chia sẻ, quá trình giảng dạy, nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát mục tiêu Chương trình GDPT 2018, đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, chú ý rèn cho các em kỹ năng giải quyết và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế một cách linh hoạt.
Phía nhà trường đã tăng cường hội thảo, đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá; xây dựng ma trận, ngân hàng đề thi. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức thi khảo sát để học sinh làm quen với hình thức thi mới, giảm áp lực tâm lý cho học sinh.