Bộ GD&ĐT cho biết, khi công bố quy chế tuyển sinh THCS và THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, có đến 60/63 Sở GDĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
Theo VOV, về phương án tuyển sinh THPT, dù đã bỏ phương án “bốc thăm” môn thứ 3, song Bộ GD&ĐT vẫn đề xuất có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Phụ huynh thấp thỏm không yên
Có con đang học lớp 9, chị Hoàng Thu Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, theo dõi các đề xuất của Bộ GD&ĐT, chị thấy không có nhiều khác biệt giữa việc “bốc thăm” môn thứ 3 và việc lựa chọn môn thứ 3 trong số các môn còn lại.
“Tôi nhận thấy, bản chất vẫn là sẽ lựa chọn một môn thứ 3 bất kỳ và công bố trước 31/3 hàng năm. Phương án này gây áp lực cho cả phụ huynh và học sinh, nhất là những học sinh năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10. Khi gần hết học kỳ 1, các con vẫn chưa hình dung được kỳ thi sắp tới sẽ được tổ chức thế nào. Hơn nữa, theo phương án của Bộ GD&ĐT đề xuất, môn thi thứ 3 có thể là 1 môn nhưng cũng có thể là tổ hợp, nếu thí sinh thi vào năm có bài thi tổ hợp, lượng kiến thức phải ôn sẽ rất nhiều, nặng hơn hẳn những năm thi vào 1 môn độc lập. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng giữa các năm. Bên cạnh đó thời gian công bố môn thi thứ 3 vào cuối tháng 3 cũng sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, thấp thỏm cho cả thí sinh và phụ huynh”.
Chị Hạnh cho biết thêm, bước vào năm học lớp 9, ngay từ đầu năm, con gái chị đã kín mít lịch học cả tuần. Không có thế mạnh ở các môn Khoa học tự nhiên, lại chưa chắc chắn phương án thi vào lớp 10, nên con phải dồn lực học thêm ở các môn học này. Nhiều ngày, lịch học thêm đến tận 22h đêm, sau đó lại tiếp tục tự học ở nhà.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM khi biết đề xuất của bộ, chị Thanh Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại TP.HCM nói vẫn không hết nỗi lo. Chị cảm thấy sự thay đổi lại khiến phụ huynh thêm bất an.
“Môn thứ 3 thay đổi hàng năm và công bố quá muộn tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh. Chị mong mỏi môn thi được công bố sớm và cố định để học sinh có kế hoạch ôn tập"- chị Tâm bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Liên, Hà Nội mong mỏi môn thi thứ 3 sẽ là môn tiếng Anh. Bởi điều này nó đảm bảo công bằng đối với các em học thiên về các môn khoa học xã hội hay thiên về khoa học tự nhiên. Mặc khác, nó cũng phù hợp với định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Học sinh tâm trạng như đi “tàu lượn”.
Thu Thủy, học sinh lớp 9, nói tâm trạng như "đi tàu lượn", cùng bố mẹ lo tìm chỗ học thêm, sau khi Bộ Giáo dục dự kiến môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm và đến 31/3 mới công bố.
"Em không biết Bộ còn thay đổi nào nữa không. Năm lớp 9 vốn đã nặng nề vì phải chuẩn bị thi chuyển cấp, nay chúng em thêm sốt ruột, lo lắng không biết sẽ thi ra sao", Thủy ở TP.HCM nói trên báo Vnexpress.
Nữ sinh cho hay trước đây bố mẹ ít khi trao đổi với em về việc thi cử, nhưng hơn một tuần nay liên tục gửi tin tức, bàn luận về phương án thi vào lớp 10.
"Bố bảo em hỏi cô nên đi học thêm môn nào từ bây giờ luôn không. Cả bố mẹ và em đều căng thẳng", nữ sinh kể.
Thủy đi học thêm Toán, Văn, tiếng Anh từ đầu năm, lịch kín cả tuần. Nhiều năm qua, đây là ba môn thi vào lớp 10 công lập của thành phố. Giờ, nếu môn thi thứ ba không chắc là tiếng Anh, em nói sẽ học thêm Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) bởi lo không cạnh tranh được với những bạn khác.
Nữ sinh đã hỏi một cô giáo gần nhà, nếu học thêm môn này, em định nhờ cô kèm vào khung giờ 21-23h.
Nhiều học sinh lớp 9 chung tâm trạng thấp thỏm, lo âu như Thủy sau khi Bộ GD&ĐT đề xuất địa phương tự chọn môn thi thứ ba vào lớp 10 trong số các môn Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Nhưng môn này không cố định mà thay đổi hàng năm, được công bố trước ngày 31/3. Trước đó, Bộ còn đề xuất bốc thăm nhưng đã bỏ dùng từ này.
Ánh Hồng, trường THCS Phú Lâm, Bắc Ninh, nói áp lực thi cử sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba vì không biết tỉnh sẽ chọn môn nào.
"Vì thế, em nghĩ phải chuẩn bị hết và đi học thêm cho yên tâm". "Nhưng em thấy vô lý khi phải dồn sức ôn tập những môn không phải thế mạnh và có thể không nằm trong lựa chọn tổ hợp ở bậc THPT".