+Aa-
    Zalo

    Kỳ lạ vùng đất coi sâu là “đặc sản” có một không hai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đến Tây Nguyên, nếu không thưởng thức món ăn được xem là “tuyệt phẩm” của người dân nơi đây thì quả là thiếu sót. Với nhiều người, món ăn này khá lạ và hấp dẫn...

    Đến Tây Nguyên, nếu không thưởng thức món ăn được xem là “tuyệt phẩm” của người dân nơi đây thì quả là thiếu sót. Với nhiều người, món ăn này khá lạ và hấp dẫn nhưng với một số người nó là nỗi khiếp đảm. Bởi lẽ, nguyên liệu chính của món ăn này là sâu muồng.

    “Đặc sản” mùa mưa

    Mùa mưa Tây Nguyên là một nét rất đặc biệt của khí hậu vùng này. Khác với những nơi khác thường có đủ 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông thì ở Tây Nguyên chỉ có đúng hai mùa: Mùa mưa và mùa nắng. Trái với mùa nắng có 6 tháng dài đằng đẵng khô hạn thì mùa mưa có khi những cơn giông lại dầm dề cả tuần không tạnh. Mùa mưa Tây nguyên thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài cho đến hết tháng 11 hàng năm. Đây là mùa cỏ cây thay áo mới, mùa người ta đi làm rẫy, trồng tỉa, mùa của ấm no hạnh phúc…

    Cuối mùa khô, đầu mùa mưa, lúc cây cối đâm chồi nảy lộc cũng là lúc các loại sâu ăn lá không biết từ đâu về “cập bến” Tây Nguyên làm hại mùa màng. Đây cũng là thời điểm phát triển của mùa sâu muồng. Không khó khăn để bắt gặp những con sâu muồng đang ăn lá khi đi dọc những con đường trên các quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu. Theo một người dân, buổi sáng cây muồng còn tươi tốt và lá xanh um, nhưng buổi chiều đã tàn lụi hơn ½ cây, ba ngày sau, cây cối xác xơ không còn 1 chiếc lá, thay vào đó là hàng ngàn con sâu muồng đang tích cực ăn vỏ cây…

    Sâu muồng và nhộng sâu trở thành đặc sản của người Tây Nguyên.

    Đối với những người vùng khác tới đây, thấy cảnh ngàn ngàn con sâu trên một thân cây thì vô cùng khiếp sợ, nhưng với người dân Tây Nguyên thì họ chẳng xa lạ gì, mà ngược lại họ còn có phần phấn khởi vì mùa bắt sâu đã về. Những con sâu này có màu xanh đậm không phủ trên mình lớp lông xấu xí ghê rợn như các loài sâu khác.

    Sâu muồng mình trơn, di chuyển bằng cách cong người lại rồi tung đầu ra phía trước mà dân gian gọi là sâu đo. Sâu muồng không gây ngứa, cũng không có vết cắn và chỉ là sâu ăn lá. Khi sâu trưởng thành, chúng bắt đầu rời bỏ ngọn cây mà trở về cùng thân cây muồng để kéo kén, kết thúc khoảng thời gian sinh trưởng với ngoại hình khó ưa trở thành nhộng.

    Đây cũng là thời điểm người dân đi tìm bắt những kén sâu muồng về chế biến thành những món ăn. Đặc biệt, nhộng sâu muồng đã trở thành món ăn quen thuộc dân dã mà béo ngậy được nhiều người ưa thích.

    Ăn nhiều sẽ… nghiện

    Theo người dân chia sẻ, cách bắt loài sâu này khá đơn giản, chỉ cần mang theo một bịch nilon, đến gần cây muồng có nhiều sâu, leo lên và ra sức rung. Kết quả, sâu rơi như sao sa và chỉ việc nhặt cho vào bịch, có khi đi nửa buổi trưa là đầy một bịch nilon nặng vài kg.

    Sâu khi bắt về để khoảng vài tiếng cho tiêu hết phân trong ruột rồi ngâm rửa nước muối cho sạch. Sau đó, phi hành mỡ lên rồi cho sâu vào xào, đảo đều nhẹ tay, để nhỏ lửa cho sâu từ từ săn lại cho chín rồi ăn với cơm nóng. Nếu ai thích nêm thêm gia vị thì rắc thêm ít muối trắng, mì chính, lá chanh thái nhỏ và một ít ớt tươi cho hợp khẩu vị. Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng.

    Ngoài sâu muồng, nhộng sâu cũng được người dân yêu thích. Nhộng sâu muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, chúng nằm im dưới tán lá chờ sự tái sinh. Nhộng có hình thoi, màu xanh, mình to như đầu chiếc đũa. Nhộng sâu muồng có thể luộc chấm muối tiêu hoặc rang giòn với mỡ. Khi rang chín, nhộng có màu vàng ươm, thơm như châu chấu rang, có vị béo và bùi. Món này rất thích hợp với những ai “dị ứng” với sâu bọ nhưng lại muốn thưởng thức nó.

    Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của sâu thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc. Riêng đối với sở thích ăn sâu sống, phải là người có bụng dạ thật tốt mới chịu được, còn không thì bị “Tào Tháo” đuổi chạy có cờ trong vài phút. Vì trong loài sâu này có chất gì đó, có người hợp thì ăn sống được, có người không hợp thì sẽ bị đau bụng ngay lập tức.

    Nhiều người, lúc đầu mới ăn sâu không quen, nhưng sau này ăn nhiều đâm ra nghiền. Có khi một thời gian dài không được ăn sâu lại thèm vì không phải mùa nào cũng có sâu nhiều như vậy. Giống sâu này chỉ có nhiều vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa vòng đời sinh nở của nó cũng hết và phải đợi đến mùa mưa năm sau.

    Người Ê đê từ trẻ đến già ai cũng biết ăn món này. Họ xem đây như là một phương thuốc phòng, chữa bệnh sốt rét nên cứ đến mùa là họ đi bắt rất đông. Ngoài việc trở thành món ăn đặc biệt và độc đáo thì sâu muồng còn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình người dân địa phương bằng việc bắt kén sâu bán cho các quán nhậu.

    Điều đặc biệt nhất là nhộng sâu muồng đã trở thành món ăn quen thuộc được nhiều người biết đến từ buôn làng đến thành thị. Đặc sản lạ và những món ăn từ loại sâu này hiện được nhiều nơi biết đến và đang trở thành hàng hot được dân Hà Nội săn mua với giá khá đắt đỏ. Nhiều người đã đặt mua đặc sản này với giá đắt đỏ từ 170.000 đồng/kg trở lên.

    Thanh Bình (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-la-vung-dat-coi-sau-la-dac-san-co-mot-khong-hai-a286087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.