Ngôi làng tóc bạc – từ người già đến người trẻ
Theo Sohu, khu vực phía Tây Nam của huyện Kỷ, thành phố Khai Phong (Hà Nam, Trung Quốc), ít người biết làng Giang Lăng Cương ở đâu. Tuy nhiên, nếu nói “Làng tóc bạc” thì hầu như người dân địa phương đều biết đến.
"Làng tóc bạc" thực ra là làng Giang Lăng Cương, sở dĩ có biệt danh kỳ lạ như vậy là vì dân ở đây, bất kể nam hay nữ, già hay trẻ, đều có mái tóc bạc.
Khoảng 80% dân làng trong độ tuổi từ 20 đến 30 có tóc bạc, trong khi thanh niên dưới 20 tuổi có tóc bạc chiếm 50%. Đặc biệt, hầu hết những người tóc bạc trong làng đều là thanh niên, thậm chí còn có cậu bé chỉ mới 10 tuổi.
Dân ở làng Giang Lăng Cương cũng rất khó hiểu vì điều này, nhiều người đã đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Giải pháp thức thời cho vấn đề này là nhuộm tóc.
Thanh niên trong làng muốn lấy vợ nơi khác trước hết phải nhuộm tóc đen để trông có vẻ trẻ trung, năng động hơn. Điều này dẫn đến việc ở làng Giang Lăng Cương, hoạt động kinh doanh có lãi nhất là cắt tóc và bán thuốc nhuộm tóc.
Làng Giang Lăng Cương là một thôn nhỏ tương đối lạc hậu, dân làng phần lớn sống trong cảnh nghèo khó, tư tưởng tương đối cũ và mê tín. Thời gian trôi qua, vấn đề tóc bạc vẫn không được giải quyết, dân làng bắt đầu lan truyền tin đồn rằng “một lời nguyền khiến dân làng bạc sớm”.
Theo chính quyền địa phương, họ đã nhận thấy những bất thường ở làng Giang Lăng Cương và vô cùng lo lắng cho sự an toàn về thể chất của dân làng. Vì vậy, họ đã cử một đội chuyên gia đến làng để tìm ra lời giải cho bí ẩn của “Làng tóc bạc”.
Tuy nhiên, những chuyên gia này không ngờ rằng sau khi họ đến “Làng tóc bạc”, sức mạnh bí ẩn khiến người ta có mái tóc bạc này đã ứng nghiệm lên chính họ.
Có sự liên hệ nào giữa “Ngôi làng tóc bạc” và bệnh sỏi thân?
Bước đầu tiên, họ bắt đầu tiến hành khám sức khỏe cho các thanh thiếu niên trong làng để xem liệu họ có bị thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định như chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu protein và các nguyên tố vi lượng hay không.
Tuy nhiên, kết quả khám sức khỏe cho thấy họ đều rất khỏe mạnh, ít nhất không có vấn đề gì về dinh dưỡng.
Tiếp theo, các chuyên gia tập trung điều tra về di truyền. Có cặp cha con, người cha bắt đầu bạc tóc từ năm 20 tuổi, còn cậu con trai bắt đầu bạc từ năm 10 tuổi. Trong làng cũng có nhiều hoàn cảnh tương tự.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng được biết, một số phụ nữ ở nơi khác lấy chồng ở làng này vốn không hề có hiện tượng bạc tóc, sau khi kết hôn một thời gian, mái tóc đen ban đầu của họ cũng chuyển sang màu trắng.
Các chuyên gia về cơ bản cũng đã loại trừ ảnh hưởng di truyền.
Đôi khi, những tổn thương tinh thần nghiêm trọng như lo lắng, buồn bã quá mức cũng có thể khiến tóc của người trẻ nhanh chóng bạc đi. Tuy nhiên, một thiếu niên có thể bị chấn thương tinh thần nhưng không phải thiếu niên nào cũng như vậy nên tình trạng này đã được các chuyên gia loại trừ.
Ngay khi các yếu tố riêng của con người lần lượt bị loại bỏ, các chuyên gia đã biết được một điều kỳ lạ - nhiều người trong làng bị sỏi thận và hầu hết đều ở độ tuổi từ 30 đến 40.
Điều này không khỏi khiến các chuyên gia nghi ngờ: Phải chăng có mối liên hệ giữa hiện tượng tóc bạc ở “Làng tóc bạc” và bệnh sỏi thận?
Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia đã tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan và các bác sĩ đều cho biết họ chưa bao giờ nghe nói đến mối quan hệ tương tác giữa “tóc bạc” và “bệnh sỏi thận”.
Hé lộ chân tướng sự việc
Xét thấy nhiều người dân địa phương bị cả tóc bạc và sỏi thận, điều đầu tiên các chuyên gia cân nhắc là thói quen ăn uống hoặc tình trạng thiếu các nguyên tố vi lượng như sắt hoặc đồng trong đất.
Do đó, các chuyên gia đã thu thập ngẫu nhiên các loại rau và thành phần đất từ nhiều nơi trong làng để thử nghiệm. Kết quả cho thấy cả đất và rau đều tốt, đạt tiêu chuẩn.
Đúng lúc các chuyên gia có chút thất vọng thì có người chợt nhận ra rằng do ở “Làng tóc bạc” một thời gian nên tóc của các chuyên gia cũng bắt đầu bạc!
Thế nhưng các chuyên gia lại tỏ ra rất thích thú. Bởi điều này có thể một lần nữa chứng minh rằng việc tóc bạc của người dân ở đây không liên quan gì đến các yếu tố như di truyền, suy dinh dưỡng mà tồn tại ở những thứ họ tiếp xúc trong làng.
Một lần, khi các chuyên gia đang trò chuyện với một nhóm dân làng thì có một người phụ nữ cầm chiếc bình thủy đi tới và muốn rót nước cho họ. Khi cầm chiếc bát sứ được người phụ nữ đưa tới, một chuyên gia bất ngờ nhận thấy nước trong bát có một số tạp chất và trông đặc hơn.
Các chuyên gia ngay lập tức nhận ra vấn đề ở “Làng tóc bạc” có thể nằm ở chất lượng nước. Họ điều tra nguồn nước mà cả làng sử dụng và phát hiện ra rằng dân làng uống nước từ giếng sâu 20 mét..
Sau khi lấy mẫu và kiểm tra, các chuyên gia phát hiện nước giếng địa phương có chứa thủy ngân, crom, chì và các nguyên tố khác vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng đối với nước giếng.
Khi hấp thụ quá nhiều các nguyên tố này sẽ tích tụ trong cơ thể con người, ức chế tác dụng của các nguyên tố vi lượng khác, dẫn đến sỏi thận và bạc tóc.
Trước đây, ở Trung Quốc cũng nổi tiếng với “Làng tóc mây” tại tỉnh Quảng Tây. Theo Great Big Story, ngôi làng này từng giành được chứng nhận của tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới cho danh hiệu “ngôi làng tóc dài nhất hành tinh”.
Những người phụ nữ Dao Đỏ nơi đây đều sở hữu mái tóc dài, đen và mượt, có phụ để tóc dài đến 1,9m.
Đối với mái tóc trân quý này, họ giữ gìn và bảo quản rất tốt. Để tóc không bị mất đi, họ sẽ vắt và buộc lại tất cả ở trên đầu. Sau 18 tuổi, họ sẽ nuôi tóc đến cuối đời.
Nguyễn Linh (T/h)