+Aa-
    Zalo

    Kỳ bí lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Ka Tu ở miền Tây xứ Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người Ka Tu ở hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế luôn quan tâm đặc biệt đến lễ bỏ mả (hay còn gọi là Têng ping - PV). Bởi, đó là một nghi lễ hết sức độc đáo.

    (ĐSPL) - Người Ka Tu ở hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế luôn quan tâm đặc biệt đến lễ bỏ mả (hay còn gọi là Têng ping - PV). Bởi, đó là một nghi lễ có quy mô và đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với cá nhân, gia đình, dòng họ, mà còn cả cộng đồng bộ tộc này.

    Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), nhóm PV chúng tôi đã được nghe kể câu chuyện đầy ly kỳ về lễ bỏ mả độc đáo mang tính chất tâm linh và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ka Tu nơi đây.

    Anh Trần Đức Sáng, cán bộ Phân viện văn hóa nghệ thuật (VHNT) Việt

    Nam
    , Phân viện VHNT tại Huế cho biết: “Theo quan niệm của cộng đồng tộc người Ka Tu nơi đây, nếu khi đứa trẻ góp mặt vào sự phồn thịnh, hưng vong của làng, bản, hay nói cách khác là được cộng đồng thừa nhận bằng nghi lễ đặt tên với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ, thì bỏ mả là lễ nghi cuối cùng và dấu ấn chấm dứt sự tồn tại của cá nhân đối với cộng đồng về mặt xã hội cũng như trong vấn đề tín ngưỡng vốn rất phong phú, đặc sắc của bộ tộc này”.

    Cũng theo anh Trần Đức Sáng: “Trong quan niệm về linh hồn, cõi sống và cõi chết của con người, nếu dân tộc Bana cho rằng, con người có ba hồn thì với người Ka Tu dù nam hay nữ đều có hai linh hồn (còn gọi Rơ vai) đó là hồn xấu (gọi Rơ vai mốp) và hồn tốt (Rơ vai liêm). Theo đó, linh hồn sẽ ở cùng với con người bằng xương bằng thịt, có khi sẽ ẩn nấp đâu đó xung quanh nhà hoặc trong các chum chóe (xờ đúc). Ban đêm, khi con người đã ngủ say, hồn sẽ bay đi lang thang đâu đó tìm những hiểm hoạ để báo mộng cho chủ nhân. Khi con người ra khỏi nhà, linh hồn sẽ đi theo rồi báo mộng những điều xấu sẽ xảy ra trong ngày mai”.

    Người đồng bào Ka Tu quan niệm rằng, cái chết là: Chết xấu (Chet môp) là chết do tai nạn, khi sinh nở, thú dữ tấn công, chết vì săn máu, bất đắc kỳ tử, bệnh lao, bị người khác bỏ độc, tự tử... Sau khi chôn những trường hợp này, người Ka Tu không bao giờ đến thăm phần mộ của người xấu số nữa. Điều này có ý nghĩa rằng, cái chết sẽ không được tổ chức lễ bỏ mả. Đặc biệt, đối với người chết xấu, những người thân của kẻ xấu số mới dám đi chôn cất tử thi. Lúc này, họ dùng con cá lóc cắt lấy đầu và dùng máu của chúng bôi lên những người đi mai táng, với ý nghĩa sẽ bài trừ những hồn ma xấu theo họ về làm hại mọi người.

    Bàn thờ của linh hồn được sắp đặt trang trọng

    Đối với cái chết tốt (Chet liêm), là một cái chết thường, không ốm đau, do tuổi già (hay còn gọi cái chết không có máu - PV) và chết trong sự chứng kiến của dân làng. Lúc này, quan tài không được lấp và trên nắp để những thức ăn mà người đã khuất thích khi còn sống. Đồng thời, quan tài phải nằm lộ ra ngoài không khí để cho linh hồn thoát ra, trở về quanh nhà Gươl cùng với gia đình của mình và người chết sẽ được làm lễ bỏ mả.

    Anh Trần Đức Sáng cho biết thêm: “Chừng một hoặc hai năm, vào một ngày đẹp trời, chủ nhà sẽ đi đến khu nghĩa địa ở phía Tây, nơi dành riêng cho những người chết tốt trong gia đình và dòng họ (gọi là cabu). Khi đi ra nghĩa địa, họ mang theo những vật dụng cần thiết như talet, chung (rìu), achỉ (rựa), đặc biệt một thứ không thể thiếu đó là quả trứng gà (gọi là râu a tứt), vì quả trứng có vai trò rất quan trọng trong việc thử đất (Xo ca tiếc). Mặc dù việc này diễn ra một cách đơn giản, nhưng lại mang đầy ý nghĩa của tín ngưỡng. Việc thử đất luôn được tiến hành trước lễ bỏ mả và do người đàn ông đảm nhiệm. Lúc này, họ cầu khấn thần linh trong rừng, xin chỉ phần đất tốt cho gia đình chọn làm nhà mồ, làm nơi yên nghỉ cuối cùng của người thân. Sau khi cầu linh xong, chủ lễ ném quả trứng đó vào một tảng đá, hay chỗ đất định chọn nếu trứng vỡ thì đó là đất tốt và ngược lại”.

    Những cốt người chết được cuốn trong các tấm vải thổ cẩm

    Theo đó, lễ bỏ mả được tiến hành từ 5 - 6 ngày đêm liên tục, nếu là nhà giàu thì trâu và các thực phẩm khác sẽ nhiều hơn trong nghi lễ. Đến ngày cuối cùng làm lễ bỏ mả, nhà mồ đã được dựng lên, lúc này anh em gia chủ đến nghĩa địa đào lấy những gì của người chết còn sót lại trong quan tài rồi bỏ vào một tấm chiếu gói kỹ lại. Những tấm vải áo, váy, được đắp lên hài cốt người chết và mang về nhà, để ở một góc sân và sau đó một cái lều nhỏ được dựng lên, phía trên lợp bằng những tấm chăn dệt bằng thổ cẩm.

    Trước khi tiến hành đào mộ, người thân sẽ chuẩn bị sẵn ở nhà một số lễ vật như: máu gà, heo, cá, bánh quốt rượu, dùng lá cây gói lại để người ta ném các thứ đó xuống ngôi mộ cho các hồn ma ăn.


    Người thân cùng với bà con dân bản ăn mừng trong các ngày diễn ra lễ bỏ mả

    Khi đã hoàn tất, người ta lật ngửa nắp quan tài lên với ý quan niệm sau này trong gia đình và dòng họ sẽ có ít người chết. Đặc biệt, ngay sau khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, con trâu cũng được đưa vào cột để chuẩn bị cho cuộc hiến tế vào sáng sớm ngày mai.

    Đêm hôm đó, mọi người cùng nhau nhảy múa xung quanh trâu, lúc này phụ nữ múa hoặc ngồi ở bên cạnh hài cốt với giọng điệu ca lâu (khóc thương người chết), còn đàn ông dùng tiếng trống, chiêng để ca lênh (là một điệu thương tiếc của những người đàn ông kể lại những việc người sống thường làm - PV).

    Theo quan niệm người Ka Tu, khi gia đình có chuyện vui thì các hồn ma của những người chết xấu sẽ lảng vảng xung quanh. Vì thế, họ thường dùng những ống tre đựng một ít máu và một số thức ăn để ở ngoài đường, dành riêng cho chúng và họ thức suốt đêm đến khoảng 4 - 5 giờ sáng thì lễ đâm trâu bắt đầu để tiến hành làm lễ bỏ mả.

    Theo anh Pbling Biết, trú tại thôn A pờ rung, xã Thượng Long, huyện

    Nam
    Đông: “Mới đây, trước khi tôi chọn đất làm nhà mồ cho cha, tôi đã dùng quả trứng ném vào tảng đá nhưng trứng không bị vỡ. Quá hoảng hốt và lo sợ, tôi đã đến nói chuyện với già làng và được già bảo còn có cách thử đất khác là lấy quả trứng chôn xuống chỗ đất đã chọn, 3 - 6 ngày sau nếu quả trứng đó vẫn nằm nguyên, không bị lộ ra ngoài thì đó là đất tốt để tiến hành nghi lễ. Nghe theo già, tôi đã làm theo cách đó và đã tiến hành thủ tục làm lễ cho cha”.

    Lễ bỏ mả là phong tục độc đáo mang tính tâm linh và là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Ka Tu. Người dân nơi đây luôn quan niệm và tôn sùng nghi lễ này.Những năm gần đây để giảm bớt sự tốn kém về mặt kinh tế và thời gian, trong lễ bỏ mả, người dân đã hạn chế một số lễ vật hiến sinh rùng rợn như lễ đâm trâu, mà thay vào đó là heo, gà và cá được sử dụng.

    Dưới đây là một số hình ảnh trong lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Ka Tu:

    Người thân ngồi trước bàn thờ để đọc kinh cho linh hồn
    …và sum họp bên gia đình trong những ngày diễn ra lễ bỏ mả
    Đặc biệt, họ thay nhau ngồi trước bàn thờ của linh hồn suốt cả đêm

    Người thân cùng bà con dân bản rước linh hồn đến ngôi nhà mồ cùng với nhịp điệu cồng, chiêng
    Các già làng, trưởng bản cùng với gia đình tổ chức lễ cúng trước khi đặt linh hồn vào ngôi nhà mồ
    …và linh hồn được đưa vào ngôi nhà mồ trước sự chứng kiến của bà con dân bản
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-le-bo-ma-cua-dong-bao-dan-toc-ka-tu-o-mien-tay-xu-hue-a95526.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.