Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/8/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 29/8/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
3 bà già đuổi khỉ hoang bằng súng hơi
Ba bà già đuổi khỉ hoang bằng súng hơi. (Ảnh: soranews24). |
Nằm dọc theo bờ biển, tỉnh Fukui, thuộc vùng Chuba, Nhật Bản từng là quê hương của gia tộc samurai Matsudaira hùng mạnh, nhưng ngày nay, nó nổi tiếng với hóa thạch khủng long, nghề làm giấy và các đặc sản như hải sản, mì soba và gạo koshihikari.
Không những thế, gần đây, tỉnh ít người này còn được truyền thông nhắc tên nhiều hơn khi có một nhóm do ba phụ nữ thành lập để đuổi khỉ hoang tên "Monkey Busters".
Trong tuần qua, những người phụ nữ về hưu liên tục xuất hiện trên các mặt báo vì cứu mùa màng khỏi bị khỉ hoang tàn phá.
Từ năm 2015, lũ khỉ phá hoại hành, cà tím, đậu tương và khoai tây của nông dân trong vùng. Bù nhìn và lưới không thể ngăn được sức tàn phá khủng khiếp của chúng. Tháng 3 năm nay, khỉ tiếp tục xuất hiện trên cánh đồng xung quanh Miyama, ở hữu ngạn sông Asuwa. Vì vậy, Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản đã quyết định tập huấn cho bà con nông dân cách đối phó.
Sau khi tham gia tập huấn, tháng 5 năm nay, bà Masako Ishimura (74 tuổi), Tatsuko Kinoshita (68 tuổi) và Miyuki Ii (67 tuổi), đều sống ở vùng nông thôn thuộc thị trấn Hikariishi, Miyama quyết định thành lập nhóm "Monkey Busters". Họ tự trang bị súng hơi để xua đuổi lũ khỉ.
Dù đang làm việc nhà hay đồng áng, nghe có khỉ xuất hiện, ba bà già vẫn mặc nguyên chiếc tạp dề lao tới, bắn súng cảnh báo về hướng lũ khỉ. "Chúng tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến mùa màng của bà con", một người trong nhóm nói.
Những người dân địa phương sẽ hỗ trợ họ bằng cách dùng pháo, ống thổi để loài linh trưởng này thêm sợ hãi. Thỉnh thoảng, họ vác cuốc đuổi chúng.
Đại diện hợp tác xã địa phương cho biết, ban đầu khỉ tụ tập thành nhóm khoảng 20 con, nhưng sau đó tách thành các nhóm chỉ 4-5 con khiến nên khó xua đuổi. Nỗ lực của người dân địa phương, do Monkey Busters dẫn đầu đã khiến lũ khỉ thực sự biến mất trong một khoảng thời gian.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, chúng lại xuất hiện trở lại. "Chúng tôi không thể ngủ quên trên chiến thắng được. Phải tiếp tục đối phó", vị này nói.
Bà Ishimura, người lớn tuổi nhất của Monkey Busters cho hay, có rất nhiều người cao tuổi sống ở khu vực Miyama. Trồng trọt trên cánh đồng rất quan trọng với sức khỏe và tinh thần của họ. "Vì vậy, nông dân chúng tôi vẫn phải tiếp tục hợp tác với nhau vì một tương lai tốt đẹp", bà lão nói.
Người đàn ông nguy kịch vì bị đàn ong vò vẽ tấn công
Anh T. đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Tiền Phong) |
Anh Lâm Thành T. (29 tuổi, thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, Kon Tum) đang điều trị tại Khoa hồi sức trong tình trạng hết sức nguy kịch (suy đa tạng, suy thận, suy gan…). Hiện bệnh nhân đang phải chạy lọc máu, thay huyết tương.
Theo thông tin từ gia đình, chiều 21/8 anh T. lên rẫy chăm sóc cây cà phê, bất ngờ đụng phải tổ ong bắp cầy, cả đàn ong túa ra tấn công đốt hơn 40 vết trên khắp cơ thể. Sau khi người nhà phát hiện, đã kịp thời đưa nạn nhân tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu.
Biết anh T. nguy kịch và cần máu gấp, nhiều người dân tỉnh Kon Tum đã có mặt tại Bệnh viện để tình nguyện hiến máu.
Trước đó, khoảng 18h30 ngày 21/8, bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận bệnh nhân Lâm Thành T. trong tình trạng nguy kịch với hơn 40 vết ong bắp cầy đốt, nhiều nhất là khu vực sau lưng, vùng mặt, vùng bụng… Sau một tuần điều trị, sức khỏe anh T. vẫn chưa hồi phục, tiên lượng rất xấu.
Bé trai 13 tuổi suýt chết vì nuốt bàn chải đánh răng vào bụng
Chiếc bàn chải được lấy ra từ trong bụng bệnh nhi. (Ảnh: Tiền Phong) |
Chiều 28/8, bé H.M.N.H (13 tuổi, ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) vừa được phẫu thuật lấy chiếc bàn chải đánh răng trong ruột ra ngoài. Hiện, sức khỏe bé trai dần ổn định.
Bé H. được người nhà chuyển đến bệnh viện khám trong tình trạng đau vùng bụng.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp siêu âm, X-quang và phát hiện một bàn chải đánh răng trong dạ dày bệnh nhi.
Bệnh nhi ngay lập tức được gây mê và nội soi dạ dày để gắp bàn chải đánh răng dài 20cm ra ngoài.
Đây là trường hợp đặc biệt vì dị vật lớn và cứng, nếu để lâu, bệnh nhi sẽ bị viêm tắc và hoại tử ruột.
Việt Hương (T/h)