+Aa-
    Zalo

    Kỳ 5: “Núp bóng” đào tạo thường xuyên, CĐ Hùng Vương lách luật còn Sở LĐ TBXH không hề hay biết?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vấn đề mua bán chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ trái phép tại trường CĐ Hùng Vương Hà Nội, PV đã có buổi làm việc với đại diện Phòng Dạy Nghề - Sở LĐTBXH.

    Liên quan đến vấn đề mua bán chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ trái phép tại trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội, PV Thương Trường đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện Phòng Dạy Nghề - Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội. Qua trao đổi, vị này cho biết chưa có thông tin chính xác về việc mua bán chứng chỉ thẩm mỹ tại ngôi trường này. Song điều đáng ngạc nhiên hơn là Sở cũng chưa có kế hoạch chính thức để kiểm tra, xử lý.

    Thông tư 43 có phải là "lá bùa" để trường Cao Đẳng Hùng Vương Hà Nội làm bừa? 

    Ngày 29/01/2019, PV Thương Trường đã có buổi làm việc với bà Lê Thu Trà – Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội về các thông tin mà Tạp chí Thương Trường đã đăng tải phản ánh về việc cấp chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ cho học viên dưới hình thức “mua bán”. Theo đó, bà Trà cho rằng, đối với chứng chỉ đào tạo phun thêu thẩm mỹ do Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội cấp thuộc hình thức đào tạo thường xuyên. 

    Quy định về đào tạo thường xuyên, theo thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH, bà Trà cho rằng Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội hoàn toàn có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc tổ chức các khóa học và cấp chứng chỉ cho học viên sau khi đủ điều kiện hoàn thành. Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội chỉ cần thực hiện các báo cáo lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định của thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH chứ không cần phải xin phép tổ chức đào tạo. 

    Phải chăng, trường Cao đẳng Hùng Vương đã lợi dụng quy định tại Thông tư 43, ngang nhiên “lách luật” để có hành vi mua bán chứng chỉ thẩm mỹ trái phép như vậy? 

    Về công tác báo cáo kết quả đào tạo thường xuyên của Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH có quy định chi tiết về mẫu biểu báo cáo năm và thời hạn hoàn thành báo cáo trước ngày 31/12 hàng năm. Tuy nhiên, theo bà Trà, đến ngày 29/01/2019, tức là khi đã quá thời hạn quy định, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội vẫn chưa nhận được bản báo cáo theo quy định tại Thông tư 43 của trường Cao đẳng này. 

    Kỳ 5: Trường Cao đẳng Hùng Vương bán chứng chỉ, Sở Lao động TBXH Hà Nội vô tình hay cố ý buông lỏng quản lý?
    Báo cáo tuyển sinh của trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội

    Trong một bản báo cáo khác do phía phòng Dạy nghề cung cấp về kết quả tuyển sinh năm 2018 của trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội, số người được đào tạo dưới 3 tháng đối với nghề phun thêu thẩm mỹ là 18 người. Nhưng bà Trà cũng cho biết thêm, số liệu này không chỉ rõ về việc số lượng chứng chỉ đào tạo thường xuyên được cấp có trùng khớp với số liệu tuyển sinh hay không. Vì vậy, khi PV hỏi về việc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội có nắm bắt được số lượng chứng chỉ đào tạo đã được trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội cấp hay không thì phó phòng Dạy nghề trả lời rằng khi nào Sở đi kiểm tra thì mới nắm được. 

    “Mấy năm gần đây, các đơn vị tự in theo mẫu quy định. Chính bởi vì họ tự in nên nếu họ không vào sổ sách thì không thể nào đối chiếu được việc này. Cũng chính bởi vì họ tự in nên họ không bị bắt buộc phải báo cáo là in bao nhiêu chứng chỉ, dùng hết bao nhiêu, hỏng và hủy hết bao nhiêu.” – bà Lê Thu Trà cho biết. 

    Vậy phải chăng quy định về việc tự in chứng chỉ đào tạo thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định trong Thông tư 43 đã vô tình tạo nên kẽ hở để các cá nhân, tổ chức có ý đồ gian dối thực hiện hành vi sai phạm? 

    Thông tư 43 cũng là "khe hở" để Sở thoái thác trách nhiệm? 

    Tại buổi làm việc, khi PV tiếp tục đề cập đến thông tin phản ánh đã được đăng tải về việc chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ do trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội cấp cho học viên dưới hình thức mua bán, lãnh đạo phòng Dạy nghề cho rằng chưa nắm bắt được thông tin chính xác và cần có thời gian để Sở tiến hành kiểm tra, đối chiếu. 

    Trong khi đó, phóng viên Thương Trường đã đặt lịch làm việc với nội dung chi tiết về hành vi đào tạo trái phép của Trường Cao Đẳng Hùng Vương Hà Nội trước 2 tuần trước khi buổi làm việc chính thức diễn ra. Không chỉ vậy, trong buổi làm việc này, khi chúng tôi đặt câu hỏi về hướng xử lý đối với thực trạng sai trái của Trường Cao Đẳng Hùng Vương Hà Nội, đại diện Sở cho biết 

    chưa có kế hoạch kiểm tra và hướng xử lý?! 

    Kỳ 5: Trường Cao đẳng Hùng Vương bán chứng chỉ, Sở Lao động TBXH Hà Nội vô tình hay cố ý buông lỏng quản lý?
    "Núp bóng" đào tạo thường xuyên, trường Cao đẳng Hùng Vương ngang nhiên bán chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ cho học viên mà không qua đào tạo

    Phải chăng quy định của Thông tư 43 không những là "lá bùa" hộ mệnh để trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội làm bừa, mà còn là "khe hở" để Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội HN thoái thác trách nhiệm quản lí của mình? 

    Điều này khiến dư luận băn khoăn về việc cơ chế quản lý, giám sát việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội thực sự quan tâm sát sao chưa, hay vẫn để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý? Sự thờ ơ của Sở có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho những "con sâu làm rầu nồi canh" như Trường Cao Đẳng Hùng Vương Hà Nội lợi dụng kẽ hở nhằm trục lợi phi pháp, gây nên những nguy cơ đáng tiếc đối với cộng đồng xã hội.

    Nguồn: Thương trường

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-5-nup-bong-dao-tao-thuong-xuyen-cd-hung-vuong-lach-luat-con-so-ld-tbxh-khong-he-hay-biet-a263304.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan