Liên quan đến việc việc trường Cao đẳng Hùng Vương ngang nhiên bán chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ cho người chưa qua đào tạo, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản trả lời.
Trong văn bản gửi đến Tạp chí Thương Trường, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho biết: Căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 346/2017/GCNĐKHĐ-TCDN ngày 14/09/2019 và Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 346a/2017/GCNĐKBS-TCDN ngày 21/11/2017 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp cho trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội, nhà trường không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề làm đẹp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Không được cấp phép đào tạo, trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội vẫn ngang nhiên "bán" chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ |
Đối với việc trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội có biểu hiện "mua bán" chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ sai phép, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng khẳng định rõ: Theo quy định tại Điều 38 và điều 44 Luật Giáo dục nghề nghiệp, văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc học hết một chương trình đào tạo thường xuyên (việc tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi cấp chứng chỉ đào tạo đối với chương trình đào tạo dưới 3 tháng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên).
Do đó, việc cấp chứng chỉ không qua đào tạo, kiểm tra, thi của trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội là không đúng quy định, vi phạm nghiêm trọng đối với Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp: Trường Cao đẳng Hùng Vương không được phép cấp chứng chỉ thẩm mỹ |
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải công bố công khai với người học về quyết định công nhận tốt nghiệp và chịu trách nhiệm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đào tạo sơ cấp tổ chức đào tạo và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có) về kết quả công nhận tốt nghiệp; gửi công văn kèm theo mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đào tạo sơ cấp có trụ sở chính để đăng ký xác nhận.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp, "Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp in phôi và cấp bằng, chứng chỉ đào tạo cho người học, công bố công khai các thông tin liên quan về bằng, chứng chỉ, trên trang thông tin điện tử của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp." Như vậy, nếu trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội không công khai đầy đủ các thông tin cần thiết trên trang thông tin điện tử thì hành vi này tiếp tục vi phạm các điều khoản quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Có thể thấy, hành vi tự ý cấp chứng chỉ phun thêu thẩm mỹ cho học viên không thông qua quá trình đào tạo và thi diễn ra dưới hình thức "mua bán" của trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội đã ngang nhiên "vượt mặt" các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Dư luận đặt câu hỏi, liệu rằng có đơn vị nào "chống lưng" cho hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy và chế tài xử lý vi phạm này ra sao?
Tạp chí Thương Trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.
Nguồn: Thương trường