Trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thủy sản Việt” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 31/3, đại diện Hội đồng Thủy sản Na Uy, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á đã chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy với tư cách là quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Theo ông Asbjorn, năm 2022 là năm tốt nhất từ trước đến nay đối với xuất khẩu thủy sản của Na Uy khi xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị 14,5 tỷ USD (151 tỷ NOK) vào năm ngoái. Đó là kỷ lục về giá trị xuất khẩu và tương ứng với 40 triệu bữa ăn mỗi ngày - quanh năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản đã tăng 2,9 tỷ USD, tương đương 25% so với năm kỷ lục 2021.
Năm 2022, giá trị từ nuôi trồng thủy sản chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính về giá trị, trong khi về khối lượng xuất khẩu chiếm 45%. Và giá trị từ thủy sản chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính về giá trị, trong khi về lượng chiếm 55%. Những thống kê này chỉ ra rằng phát triển nuôi trồng thủy sản có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho ngành thủy sản.
Trong giá trị xuất khẩu, cá hồi chiếm lượng lớn với giá xuất khẩu ở mức 10 USD/kg. Theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg.
Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gấp 3 lần giá Na Uy xuất khẩu. Người Việt cũng sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi do giá trị thương hiệu của Na Uy.
“Chính vì vậy mà các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều cá hồi Na Uy hơn, chúng tôi không cần nhất thiết cứ đẩy sản lượng mà tập trung vào chất lượng. Thực tế, Chính phủ Na Uy luôn đặt ra trần sản xuất và đánh bắt hải sản chung, chúng tôi không thể tăng sản lượng tùy ý nhưng có thể tăng giá trị bằng việc xây dựng chuỗi giá trị”, ông Asbjorn khẳng định.
Ông Asbjorn cho hay, hải sản sau khi được ngư dân và các công ty nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các vùng nước ven biển và nội địa sẽ được sơ chế để chuyển đến các nhà máy chế biến như nấu chín, đóng hộp và các sản phẩm ăn liền để tăng thêm giá trị.
“Cải thiện chuỗi giá trị trong ngành thủy sản có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng lợi nhuận, tiếp cận thị trường tốt hơn, nâng cao uy tín thương hiệu, tính bền vững và đổi mới. Những lợi ích này có thể giúp đảm bảo sự thành công lâu dài của ngành và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu thủy sản.”, ông Asbjorn gợi ý.
Hiện nay, ngành thủy sản Na Uy là một trong những nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và có chuỗi giá trị phát triển tốt chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Na Uy đã phát triển một khung pháp lý mạnh mẽ để đảm bảo rằng hải sản được thu hoạch bền vững, chế biến an toàn và vận chuyển theo các tiêu chuẩn cao nhất.
Ngành cũng đẩy mạnh đối mới, phát triển các công nghệ và phương pháp sản xuất nâng cao hiệu quả, giảm chất thải và tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị.
Những yếu tố này đã góp phần đưa Na Uy trở thành một trong những nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới và chuỗi giá trị thủy sản của Na Uy là một mô hình cho sự bền vững, chất lượng và đổi mới.
Mô hình Na Uy thành công đến mức Na Uy hiện đang quản lý một số trữ lượng cá trích và cá tuyết lớn nhất trên thế giới, cùng với các loài khác cũng phát triển mạnh ở vùng biển.
Na Uy đã là quốc gia tiên phong về tính bền vững trong nhiều thập kỷ, truyền cảm hứng cho những người khác đưa ra luật để bảo vệ nguồn cá và xuất khẩu chuyên môn quản lý nghề cá của họ sang các quốc gia đánh cá kém phát triển, tìm cách xây dựng - và duy trì - nguồn lợi thủy sản thịnh vượng và bền vững.
Với sự tương đồng về nền tảng vững chắc để phát triển ngành thủy sản và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu thủy sản, Việt Nam và Na Uy nhìn thấy cơ hội trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển trên bản đồ thủy sản thế giới.