+Aa-
    Zalo

    Kinh hãi gần trăm con lợn bệnh chết bị vứt bỏ ven đường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các đối tượng đã lợi dụng đêm tối, nơi có những đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại để vứt xác lợn đã chết.

    Các đối tượng đã lợi dụng đêm tối, nơi có những đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại để vứt xác lợn đã chết.

    Gấp rút xử lý, không để lây lan dịch bệnh

    Chiều tối 3/12, ông Lô Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An) xác nhận, chính quyền xã đã tới hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xử lý hàng trăm con lợn bệnh chết để không lây lan dịch trên địa bàn.

    Thông tin ban đầu, vào sáng sớm 3/12, tại khu vực giáp ranh xã Nghĩa Lạc và xã Xuân Bình (Như Xuân, Thanh Hóa), người dân phát hiện đàn lợn gần 100 con vứt bỏ bên đường. Những con lợn được phát hiện trọng lượng ước đạt từ 30– 40kg/con.

    Có nhiều con lợn đã bị chết do bệnh dịch.

    Người dân địa phương cho biết, có thể các đối tượng đã lợi dụng đêm tối, nơi vắng vẻ, ít người qua lại để vứt những con lợn có biểu hiện lừ đừ, yếu ớt, sắp chết, nghi đã nhiễm dịch bệnh và kể cả xác những con lợn đã chết. Trước đây, cũng đã có trường hợp lợi dụng lúc vắng người, trời tối để vứt lợn nên rất khó phát hiện để xử lý.

    “Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo xã Nghĩa Lạc đã phối hợp với lãnh đạo xã Xuân Bình tiến hành thu gom, xử lý tiêu độc khử trùng, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh”, ông Thủy nói.

    Về phía xã Nghĩa Lạc, để đảm bảo dịch bệnh không lây lan vào địa bàn, gây hoang mang cho người chăn nuôi, UBND xã cũng đã lập chốt kiểm dịch, cắt cử lực lượng trực 24/24h và phun tiêu độc khử trùng.

    Cần xử phạt thật nặng

    Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc khẳng định, hành vi vứt lợn chết như thế này gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cần phải lên án. Đặc biệt, trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương và các lực lượng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát và có biện pháp xử lý kiên quyết nhằm chấm dứt hiện tượng này.

    Chính quyền địa phương gom những xác lợn và tiến hành phun tiêu khử trùng.

    Từng trả lời báo chí, luật sư Lê Văn Hoan (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tại điểm a, khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017 đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì người vi phạm bị phạt tiền từ 5- 6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cá nhân mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

    Thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý hình sự các tội về môi trường theo quy định tại Chương 19 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

    Hồi tháng 11/2020, người dân cũng phát hiện nhiều lợn chết bị vứt bỏ trên đoạn cầu máng Tràng, kênh Biên Hòa thuộc địa bàn xã Trịnh Xá (TP.Phủ Lý, Hà Nam). Đáng chú ý, tình trạng vứt bỏ lợn chết ra ngoài môi trường đã từng xảy ra ở nhiều địa phương và rất khó để xử lý.

    Nguyễn Anh Ngọc

    Bài viết được đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (49)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-hai-gan-tram-con-lon-benh-chet-bi-vut-bo-ven-duong-a348339.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan