+Aa-
    Zalo

    Kiến nghị đưa SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá tối đa

    (ĐS&PL) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản kiến nghị bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

    Báo Lao Động thông tin, vấn đề SGK mới mà các nhà xuất bản công bố đều tăng ít nhất 2 – 3 lần so với giá sách hiện hành (chưa kể sách tiếng Anh) đã khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua.

    Trong phiên thảo luận tổ trước Quốc hội hôm 25/5, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các loại SGK mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với bộ Tài chính.

    Ngày 26/5, bộ GD&ĐT chia sẻ theo quy định của Luật Giá, giá SGK do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa.

    Các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá với các cơ quan có thẩm quyền là bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường, bên cạnh đó thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

    kien nghi dua sgk vao danh muc hang hoa do nha nuoc dinh gia toi da
    Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VietNamNet

    Bộ GD&ĐT đã đề nghị các nhà xuất bản kê khai giá SGK, rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách, đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ SGK.

    Riêng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước do bộ GD&ĐT quản lý, bộ đã chỉ đạo đơn vị này tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp kênh phân phối truyền thống với kênh phát hành qua hình thức thương mại trực tuyến online để giảm chi phí phát hành. Bộ GD&ĐT khẳng định, giá các bộ sách mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thường thấp hơn giá của các nhà xuất bản khác.

    Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em về chi phí mua SGK, đồ dùng học tập.

    Bên cạnh các chế độ chính sách chung, hàng năm, bộ GD&ĐT đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...

    Theo VietNamNet, bộ GD&ĐT đánh giá việc triển khai đổi mới SGK phổ thông đã thu hút đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia. Do được nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018. Không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.

    Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh. Việc này ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.

    Vì thế, bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-nghi-dua-sgk-vao-danh-muc-hang-hoa-do-nha-nuoc-dinh-gia-toi-da-a538970.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan