Theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 98/100 doanh nghiệp, đơn vị có thất thu, trốn thuế tuy nhiên Kiểm toán Nhà nước không thể tiếp cận được do còn phải thông qua cơ quan thuế.
Đây là con số được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đưa ra tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 diễn ra vào ngày 10/1.
Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế đôi khi chưa thực sự hợp tác do e ngại bị khui ra những sai phạm. Ngoài ra, nhiều đơn vị doanh nghiệp còn cung cấp tài liệu, giấy tờ hải quan sai sự thật, dẫn đến kết quả kiểm toán không chính xác.
Theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 98/100 doanh nghiệp, đơn vị có thất thu, trốn thuế . Ảnh: Tạp chí Tài chính |
Ông đơn cử, mỗi năm đối chiếu thuế Kiểm toán nhà nước kiến nghị thu về khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhưng thực tế hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn. "Kiểm tra thuế trong 100 doanh nghiệp thì 98 đơn vị có thất thu, trốn thuế, nhưng khi làm việc kiểm toán nhà nước không thể tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp mà phải thông qua cơ quan thuế. Thuế thì miễn cưỡng không muốn cho kiểm toán vào vì e ngại bị khui ra những sai phạm" - ông Phớc nêu thực tế.
Ngoài ra, có chuyện đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật như một số tờ khai hải quan có hiện tượng tẩy xóa giá trị lô hàng. Do đó, khi sử dụng tài liệu này, Kiểm toán Nhà nước không thể so sánh, đánh giá chính xác giá trị của lô hàng giữa giá nhập và giá bán nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Từ những bất cập này, Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: mở rộng đối tượng kiểm toán, tăng thêm quyền hạn cho những người đứng đầu các đơn vị kiểm toán, để công tác kiểm toán được thuận lợi và chính xác hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước tổng kết, rà soát lại nội dung luật hiện hành, vấn đề nào vướng mắc trình Quốc hội sửa luật vào năm 2019.
Vũ Đậu (T/h)