Emagazine

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay

Thứ Ba, 24/09/2024 14:00:00 +07:00

(ĐS&PL) - Từng phút, từng giây trôi qua, hàng trăm nhân viên kiểm soát viên không lưu vẫn âm thầm cống hiến để những chuyến bay được an toàn.

Những “Cảnh sát trên trời”

Ngày nay, sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại đã trở nên phổ biến do các ưu thế về thời gian, sự an toàn và thuận tiện mà ngành vận tải này mang lại.

Vậy làm thế nào tàu bay có thể biết chính xác vị trí của mình trong khi bay mà không bị “lạc” đường? Trong trường hợp nhiều tàu bay đến sân bay hạ cánh cùng một thời điểm mà không bị trùng nhau và không xảy ra va chạm? Đối với giao thông đường bộ, người ta sử dụng hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng Cảnh sát giao thông để điều phối các phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Còn việc đảm bảo an toàn giao thông đường không thì sao?...

Trên thực tế, để đảm bảo điều này, chuyến bay phải có sự phối hợp, liên kết từ nhiều bộ phận, trong đó dịch vụ không lưu là dịch vụ đóng rất vai trò quan trọng để chuyến bay được an toàn - điều hòa - hiệu quả.

Trong đó, các kiểm soát viên không lưu là người trực tiếp cung cấp dịch vụ điều hành bay, thông báo bay, báo động cho các tàu bay trên mặt đất, trên không và các hỗ trợ khác cho tổ lái để duy trì hoạt động bay của tàu bay trên các đường hàng không và tại khu vực các sân bay một cách an toàn, điều hòa và hiệu quả.

Công việc của họ là đưa ra các huấn lệnh, chỉ thị và khuyến cáo cho tổ lái về độ cao, tốc độ, đường bay, hướng bay các thông tin về thời tiết, các thông tin hoạt động liên quan khác nhằm ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các tàu bay hoạt động trên sân bay và giữa các tàu bay với chướng ngại vật trên khu vực sân bay, trên đường bay.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 1

 

Những ngày trung tuần tháng 9,  PV Đời sống và Pháp luật có dịp đến Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài (đặt tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài), nơi những kiểm soát viên không lưu được ví như những “cảnh sát trên trời” điều hành hàng nghìn chuyến bay cất - hạ cánh, đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không.

Tại đây, được chứng kiến tận mắt một kíp trực của các Kiểm soát viên không lưu, chúng tôi mới thấy hết sự căng thẳng của công việc này. Không gian im lặng đến tuyệt đối, những đôi mắt dán vào màn hình, đôi tay thoăn thoắt trên máy tính để điều khiển các tổ hợp thông tin liên lạc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Lộc, Phó trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài cho biết, Trung tâm gồm 2 cơ sở điều hành bay chính là Cơ sở kiểm soát tại sân và Cơ sở kiểm soát tiếp cận, có nhiệm vụ kiểm soát, điều hành hoạt động bay trong vòng bán kính 75 km từ sân bay Nội Bài.

Nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 90 m, Cơ sở kiểm soát tại sân (đài chỉ huy) có nhiệm vụ kiểm soát máy bay cất hạ cánh và các phương tiện khác trong sân bay, điều hòa máy bay đi và đến, chiếc nào hạ cánh, chiếc nào dừng chờ...

Ông Lộc cho biết, là nghề kiểm soát không lưu đòi hỏi sự chuẩn mực khắc nghiệt bậc nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, hơn hết, công việc kiểm soát viên không lưu mà mọi người hay gọi là “những người lái phi công”, người “cảnh sát trên trời” đòi hỏi một “cái đầu lạnh”, bình tĩnh và quyết đoán, đặc biệt là khi xử lý những tình huống khẩn nguy. Bởi vì, một huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu phát ra liên quan đến hàng trăm sinh mạng, đến khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 2
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 3
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 4

 

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Với vị trí và môi trường công việc đặc thù như vậy, những người “Cảnh sát trên trời” luôn đặt tính kỷ luật, trách nhiệm lên hàng đầu bởi trọng trách của họ mang trên mình rất lớn. Hiệu quả công việc là những chuyến bay an toàn, đảm bảo tính mạng cho hành khách và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo ông Lộc, một kíp trực tại đài chỉ huy thường gồm 6 người cho các vị trí: Vị trí cấp phát huấn lệnh máy bay, kiểm soát mặt đất, hiệp đồng, kiểm soát tại sân, người xử lý số liệu điều hành bay, kíp trưởng…

Sau khi được cấp phát huấn lệnh (chỉ thị khởi hành) cung cấp cho phi công trước khi khởi hành những thông tin về kế hoạch bay, đường bay, thời tiết và một số thông tin cần thiết khác, máy bay bắt đầu nổ máy và lăn dưới sự giám sát của kiểm soát mặt đất.

Khi máy bay lăn tới đầu đường cất cánh sẽ được chuyển giao từ kiểm soát mặt đất cho lực lượng kiểm soát tại sân. Vị trí này sẽ căn cứ lượng máy bay về để cho máy bay cất cánh phù hợp, bảo đảm đủ phân cách, an toàn, điều hòa và hiệu quả.

Lúc này, kiểm soát viên không lưu phải căn để khi cho máy bay lên cất cánh, có đủ thời lượng để máy bay về hạ cánh. Kiểm soát viên không lưu hiệp đồng phải xử lý số liệu điều hành bay, các máy bay đến, bay đi… Lúc máy bay đông, phải tăng cường thêm 1 vị trí giám sát để hỗ trợ.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 5

 

Trong trường hợp tại khu vực sân bay đang có giông, bão, trục trặc ở sân bay về đường băng hoặc gặp tình huống khẩn nguy sân bay…, chưa đủ điều kiện để máy bay về có thể hạ cánh, kiểm soát viên không lưu yêu cầu máy bay bay chờ và dự kiến giờ rời điểm chờ. Nếu máy bay không đủ dầu để bay chờ, phi công có thể xin đi sân bay dự bị như Cát Bi, Vinh, Viêng Chăn, Thọ Xuân, Đà Nẵng.

“Hiện nay, sân bay Nội Bài có gần 600 chuyến bay cất - hạ cánh mỗi ngày, kiểm soát viên không lưu phải làm nhiệm vụ 24/24h. Công tác điều hành bay được chia làm nhiều ca trực/ngày. Một kiểm soát viên không lưu có thời gian làm việc không quá 12 tiếng trong 1 ca trực, mỗi phiên trực làm việc không quá 2 tiếng tại 1 vị trí điều hành”, ông Lộc chia sẻ.

Quy trình nghiêm ngặt

Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề kiểm soát không lưu phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với người lái, và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

Một kiểm soát viên không lưu mới ra trường khi bắt đầu công việc phải ngồi kèm 3 năm, đến 5 năm mới độc lập được công việc và 7 năm thì mới thực sự tự tin điều hành bay hay chính thức bước vào nghề “Cảnh sát trên trời”.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 6
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 7

 

Ông Lộc cũng cho biết thêm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát viên được học tập, rèn luyện tu dưỡng nghề nghiệp. Hàng năm, kiểm soát viên không lưu được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và tại các cơ sở đào tạo huấn luyện hàng không có uy tín trên thế giới như tại Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, NewZealand...

Rời khỏi Cơ sở kiểm soát tại sân, chúng tôi tiếp tục được “trải nghiệm” tại Cơ sở kiểm soát tiếp cận của Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài. Tại đây, khác với Cơ sở kiểm soát tại sân tiếp cận với bầu trời, Cơ sở kiểm soát tiếp cận được bố trí trong một căn phòng kín với ánh sáng chỉ tập trung vào khu vực màn hình làm việc, có nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay tiếp cận về hạ cánh và những chuyến bay khởi hành từ Sân bay Nội Bài trong bán kính từ 10 km đến 75 km từ sân bay.

Theo ông Lộc, người làm công tác kiểm soát tiếp cận ngoài yêu cầu phải xử lý nhanh, tức thời còn phải có khả năng tốt về thuật toán, hình học không gian, phải nhìn các góc để phân chia máy bay vào hạ cánh điều hòa, bảo đảm phân cách giữa các máy bay.

“Đào tạo được kiểm soát viên không lưu làm việc tại Cơ sở kiểm soát tại sân đã khó thì tại Cơ sở kiểm soát tiếp cận lại càng khó hơn. Vị trí này đòi hỏi nhân sự có kinh nghiệm làm việc tại Cơ sở kiểm soát tại sân và có khả năng mới có thể đáp ứng nhu cầu công việc”, ông Lộc nói.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 8

 

Hiện nay, ngoài dẫn dắt máy bay bằng radar, từ năm 2017, tại Trung tâm đã đưa vào ứng dụng công nghệ mới: Hệ thống dẫn đường khu vực, được thiết lập dựa trên xử lý dữ liệu từ các vệ tinh, các đài dẫn đường, radar giám sát và rất nhiều trang thiết bị phụ trợ trên khắp cả nước.

Máy bay khi về đến vùng kiểm soát bay Nội Bài sẽ bay vào những luồng lạch cố định, để giảm thiểu công việc cho kiểm soát viên không lưu và cả phi công, bảo đảm an toàn phân cách cho máy bay.

Đi lên từ gian khó

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hán Thanh Sơn, người đã có 26 năm gắn bó với nghề kiểm soát viên không lưu chia sẻ, công việc này đòi hỏi phải có bản lĩnh, khả năng định hình về không gian, chịu được áp lực cao, phản xạ nhanh, sức khỏe, thị lực, thính lực và khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn ở mức 4 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Ông Sơn cho biết, mỗi ca làm việc của kiểm soát viên không lưu kéo dài 8 tiếng và cứ làm liên tục 2 tiếng thì được nghỉ 30 phút vào ban ngày và 45 phút vào ban đêm. Khi vào ca, kiểm soát viên không lưu không được mang theo điện thoại, không được làm việc riêng để giữ tinh thần thật tỉnh táo, tập trung cao độ.

Trong ca làm việc, kiểm soát viên không lưu phải tập trung tuyệt đối, không sử dụng điện thoại, không được làm việc riêng và trao đổi với phi công bằng tiếng Anh, kể cả khi gặp phi công người Việt.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 9
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 10
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 11

 

Nói về cơ duyên đến với nghề kiểm soát viên không lưu, ông Sơn kể: “Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống về ngành hàng không. Bố tôi là một trong số 6 phi công của Phi đội Quyết Thắng đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, nên ngay từ bé tôi đã được theo chân bố tới nhiều sân bay. Đến đó, tôi được chứng kiến các bác, các chú làm công tác trực chỉ huy, cứ thế rồi tôi yêu ngành hàng không từ khi nào không hay.

Sau khi học xong lớp 12, tôi quyết định theo học trường Hàng không, chuyên ngành không lưu. Đến năm 1998, sau khi tốt nghiệp tôi làm việc tại Trung tâm đến thời điểm hiện tại”.

Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, ông Sơn cho biết thời điểm đó, cơ sở hạ tầng về hàng không vẫn còn nhiều khó khăn, chưa được hỗ trợ như hiện nay nhưng lực lượng kiểm soát viên không lưu vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Và một lợi thể của đơn vị là những con người thời điểm ấy phần lớn vẫn gắn bó với ngành không lưu. Đây cũng là lý do mà ngành Hàng không Việt Nam đạt điểm số ấn tượng trong thanh sát an toàn hàng không của ICAO. Dường như, trải qua những năm tháng gian khó ấy đã giúp con người ngành Hàng không ngày càng kiên cường, hoàn thành được những nhiệm vụ được giao. Tôi luôn tự hào khi được khoác trên mình màu áo kiểm soát viên không lưu”, ông Sơn tự hào nói.

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 12
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 13

 

Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 14
Kiểm soát viên không lưu – Người “giấu mặt” đảm bảo an toàn mỗi chuyến bay - 15

 

Nguyễn Lâm - Trung Hiếu
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/kiem-soat-vien-khong-luu-nguoi-giau-mat-am-bao-an-toan-moi-chuyen-bay-a467338.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan