Dự lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh có rừng giáp ranh...
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được thành lập ngay sau khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP ngày 21/5/1973 quy định hệ thống tổ chức và chức năng quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Trải qua quá trình hoạt động, các giai đoạn lịch sử, việc điều chỉnh địa giới hành chính, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã nhiều lần thực hiện chia tách, hợp nhất và chuyển đổi về tổ chức để phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó. Trải qua quá trình công tác, lực lượng kiểm lâm ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng.
Cùng với sự phát triển chung của kiểm lâm cả nước, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội không ngừng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng bền vững, phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, giai đoạn 2008-2023 (sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, phát huy được vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Hiện nay, Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng là 18.173,41ha, được quy hoạch thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; phân bố ở 7 huyện, thị xã là: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Rừng ở thành phố Hà Nội không lớn nhưng có giá trị và ý nghĩa quan trọng: là vành đai xanh “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; điều hoà khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng đồng thời cũng là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú; lưu giữ những phong tục tập quán, những kiến thức bản địa nghìn năm văn hiến cũng như bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Chi cục Kiểm lâm chú trọng triển khai.
Trong 15 năm qua kể từ khi hợp nhất (giai đoạn 2008 đến nay), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tổ chức 757 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 38.036 lượt người tham gia. Tổ chức 97 buổi diễn tập chữa cháy rừng cấp xã với 12.080 lượt người tham gia. Phát hành 100.876 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng… Đối với nhiệm vụ phát triển rừng, Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế được 180ha, trồng mới 1.000ha rừng, chăm sóc 3.535ha rừng, khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm…
Với phương châm “lấy dân làm gốc”, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân các huyện, thị xã. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, tác dụng to lớn của rừng từng bước được nâng cao, trách nhiệm bảo vệ rừng của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân chuyển biến rõ rệt.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao kết quả của lực lượng Kiểm lâm Hà Nội. Tuy nhiên, trước yêu cầu, thách thức của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu lực lượng Kiểm lâm Hà Nội cần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; phối hợp với các huyện, thị xã có rừng quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, nhất là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phải thực hiện tốt công tác tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”; đẩy nhanh tiến độ số hóa diện tích rừng trên địa bàn Hà Nội; sớm hoàn thành công tác rà soát, đo đạc, cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và giao đất gắn với giao rừng cho các chủ rừng. Chi cục Kiểm lâm cần tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã có rừng xây dựng quy hoạch các khu du lịch sinh thái, phát triển kinh tế dưới tán rừng...
Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Nội...
Hoài Thu