Theo Tri Thức Trẻ, rươi thường sống ở các vùng ven sông hoặc các cánh đồng ngập nước do nước sông tràn vào thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hải Phòng,Thái Bình. Rươi thích hợp ở nhiệt độ khá lạnh, khoảng tháng 9 tháng 10 âm lịch, cho nên khi vớt rươi đem bán người ta phải bảo quản rươi trong nước đá để tan.
Trong thời điểm hiện tại, mùa rươi đang ở giai đoạn rộ, nhiều người tranh thủ mua luôn để chế biến thành các món ăn bổ dưỡng cho gia đình. Rươi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, rất giàu đạm nên ăn rươi cung cấp một lượng lớn dinh dưỡng, đặc biệt là nguồn đạm và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Rất nhiều món ngon từ rươi mà bạn có thể làm nhanh chóng cho cả gia đình thưởng thức như chả rươi, rươi kho, mắm rươi, nem rươi, rươi xào củ niễng, măng tươi hay củ cải, canh riêu rươi... đều đem lại hương vị thơm ngon, kích thích người ăn và cực bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe vào mùa lạnh.
Nhưng công dụng của rươi không dừng lại ở việc là món ăn ngon, là thực phẩm bổ dưỡng. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), bên cạnh vai trò làm thực phẩm bổ dưỡng, công dụng của rồng đất khiến nhiều người không thể không coi trọng còn bởi loại thực phẩm này có vai trò là một vị thuốc rất hữu hiệu với các vấn đề tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu...
Cụ thể, trong Đông y, dược tính của món rươi tương tự như vỏ quýt. Tức là, rươi cũng mang vị cay, đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều khí, hóa đờm, tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu... Rươi được công nhận là vị thuốc cổ truyền được Đông y khuyên dùng để điều trị và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh, nâng cao sức đề kháng và thuyên giảm bệnh tật, xứng đáng là thực phẩm vàng nên bổ sung vào mùa đông lạnh lẽo, dễ bị suy giảm miễn dịch.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, cứ 100g rươi có chứa 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4g lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Ngoài ra, trong rươi còn có chứa nhiều loại chất khoáng khác như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%)...
Như vậy, Đông y lẫn Tây y đều công nhận tính dược liệu của rươi.
Vào thời điểm hiện nay, khi rươi đang vào mùa, với đặc tính dược liệu vốn có, nhiều người muốn tranh thủ để làm món ăn thuốc vừa nâng cao sức khỏe vừa làm thuốc chữa bệnh. Liều dùng rươi theo khuyến cáo là mỗi ngày dùng 50 – 100g, dạng thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác. Một số bài thuốc chữa bệnh từ rươi có thể hữu ích với bạn vào mùa đông này là:
- Chữa huyết hư, bồi bổ cơ thể: Rươi 50g, Đại táo 10 quả, Xương lợn 200g cho nước vào hầm uống, mỗi ngày 1 thang.
- Chữa mụn nhọt: Rươi đem sấy khô, tán nhỏ, trộn với nước thành dạng keo, đắp lên vùng bị bệnh. Nếu mụn chưa vỡ thì có thể giúp tiêu sưng, giảm đau. Nếu mụn đã vỡ rồi thì có thể giúp mụn mau khỏi, chóng lên da non.
- Bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch: Có thể làm những món ăn từ rươi ăn thay đổi như chả rươi, nem rươi, mắm rươi, rươi rang muối...
- Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp: Ăn lá lốt cuốn rươi. Bạn cần chuẩn bị lá lốt tươi, rươi, vỏ quýt, gia vị, ớt, giò sống và thịt nạc băm nhuyễn. Sau khi sơ chế nguyên liệu, đem trộn đều rồi dùng lá lốt cuốn lại, chiên chín và thưởng thức.
Lưu ý: Chế biến rươi cần đảm bảo đúng cách, không ăn rươi chết vì có thể bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Nhóm phụ nữ mang thai, trẻ em, người có cơ địa dị ứng đạm không nên ăn rươi vì rươi giàu đạm, khó tiêu...
Theo VTC News, Xã An Thanh,huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích nuôi rươi khoảng 280 ha, với gần 400 hộ tham gia sản xuất. Trong đó, thôn An Định tập trung khoảng 50% diện tích nuôi rươi của xã. Người dân ở đây cho biết, con rươi thường sống sâu dưới mặt đất khoảng 30-40 cm. Hàng năm, cứ từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch khi nước thủy triều ngoài sông rút đi, rươi bắt đầu nổi lên, tràn vào ao ruộng, lúc này người dân sẽ bắt đầu đi vớt.
Ông Phạm Văn Tơ, chủ hộ làm nghề vớt rươi đã hơn 10 năm chia sẻ, nhà ông có 2 ao nuôi rươi, tương đương 6 mẫu đất, vào mùa rươi, gia đình ông có ngày thu hoạch được 7 tạ, với giá bán 300.000 đồng/kg. Như vậy, việc thu nhập hơn 200 triệu đồng/ngày với ông Tơ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông Tơ cho biết, mỗi tháng vào mùa rươi, người nông dân chỉ thu hoạch nhiều trong 2 - 3 ngày, còn càng về sau càng ít dần.
Theo kinh nghiệm của ông Tơ, tùy vào diện tích ao của mỗi nhà, người dân sẽ thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 (âm lịch). Tháng 9, thông thường các chủ hộ sẽ thu hoạch vào ban đêm, rươi tháng 9 cũng rất ngon nhưng việc thu hoạch sẽ vất vả hơn, người dân sẽ ít đi mua đêm mà chỉ đổ được cho thương lái. Rươi tháng 9 thường sẽ xanh hơn, không được đẹp như rươi thu hoạch ban ngày. Rươi tháng 10 là ngon nhất trong năm, không bị mặn nên con rươi không bị vỡ dập, màu sắc đẹp mắt. Còn rươi tháng 11 thường là rươi nước mặn về nhiều nên sẽ bị dập hơn. Tuy nhiên sản lượng của tháng 9, 10 sẽ không bằng tháng 11, chủ yếu rươi tháng 11 được người dân ở đây bán cho Trung Quốc, nhà hàng đóng tủ đông, nên đôi khi rươi tháng 11 sẽ rẻ hơn một chút.
Những hộ làm nghề rươi lâu năm thường xây các cửa đập nhỏ đưa nước từ sông vào ruộng, khi rươi nổi lên sẽ tháo nước để rươi chảy vào túi lưới, cứ sau 10 - 15 phút lại kiểm tra lưới để rớt rươi lên.
Được biết, do số lượng rươi có hạn mà nhu cầu thị trường rất lớn nên thương lái muốn mua rươi thường phải đặt trước.
Thùy Dung(T/h)