+Aa-
    Zalo

    Kịch ma nở rộ: Cạn kiệt ý tưởng hay cổ xúy cho mê tín dị đoan?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có lẽ chưa khi nào kịch ma lại nở rộ với mật độ dày đặc trên các sân khấu như hiện nay. Các sân khấu kịch nói vốn đìu hiu, đang "thiếu muối" với những vở hài kịch, tiểu p

    (ĐSPL) - Có lẽ chưa khi nào kịch ma lại nở rộ với mật độ dày đặc trên các sân khấu như hiện nay. Các sân khấu kịch nói vốn đìu hiu, đang "thiếu muối" với những vở hài kịch, tiểu phẩm hài nhàn nhạt bỗng đông khách trở lại. Song, có lẽ khi thưởng thức quá nhiều một món ăn, người xem sẽ không tránh khỏi tình trạng ngán ngẩm.

    1.001 kiểu ma

    Dạo quanh một vòng trang web của các sân khấu kịch đình đám ở khu vực miền Nam, không khó để bắt gặp các thông tin giới thiệu về các vở kịch ma "hot" nhất kèm theo những bức ảnh minh họa có cảnh máu me, oan hồn hiện hình... Những vị trí bắt mắt, dễ nhìn nhất luôn được dành cho việc giới thiệu các vở kịch kinh dị. Sân khấu Kịch Sài Gòn công diễn các vở Hồn ma báo oán, Quỷ, Biệt thự ma, Hồn trinh nữ, áo cho người chết... Nhà hát Thế giới trẻ có các vở: Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Điện thoại nửa đêm, Họa hồn, Am khuya... Kịch Sao Minh Béo và Kịch cà phê Tâm Ngọc "nối gót" theo, khai thác kịch ma dưới nhiều góc nhìn.

    Kịch Phú Nhuận được xem là nơi "nhiều ma" nhất khi sở hữu các vở ăn khách được tái dựng trong mùa hè này như: Người vợ ma hai, Quả tim máu, Sám hối, Căn hộ 404, Ma sói, Thứ sáu ngày 13... Nội dung các vở diễn đều xoay quanh những câu chuyện huyền bí, kỳ quặc. Mô -típ thường thấy là chuyện ác giả ác báo, nhân vật chính sám hối ăn năn, thanh minh lỗi lầm để không còn bị "ma ám".

    Danh sách các vở kịch ma được nối dài khi sắp có thêm các vở Ma lực kinh hoàng, 12 giờ đêm, Giờ chết, Giờ C, Kỳ án 292, Nốt ruồi máu... đang được dàn dựng. Vở Thu khùng đã từng dàn dựng để tham gia cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn toàn quốc nay cũng được "nâng cấp" thành "Ma khùng". Kịch Sài Gòn có thêm: Cái chết bí ẩn, Kinh hoàng ma nữ, Ma da, Biệt thự ma... Sân khấu kịch Sao Minh Béo có hai vở ma: Xác sống và Một xác hai mạng.

    Không chỉ nởó rộ ở các sân khấu phía Nam, theo nghệ sỹ (NS) Chí Trung, kịch ma đang trở thành dòng kịch thu hút được đông đảo khán giả. Dự kiến thời gian tới, dòng kịch này sẽ được phát triển ra các sân khấu phía Bắc.

    Có lẽ chưa khi nào kịch ma lại nở rộ với mật độ dày đặc trên các sân khấu như vậy. Song, có lẽ khi thưởng thức quá nhiều một món ăn, người xem sẽ không tránh khỏi tình trạng ngán ngẩm. Những người yêu kịch thực thụ khó tìm thấy cho mình một vở diễn ưng ý, được đầu tư công phu, giàu giá trị nghệ thuật mà không "dính" đến nội dung ma mị. Thêm vào đó, có nhiều ý kiến tỏ ra vô cùng quan ngại, bởi nếu không kiểm soát tốt, kịch ma vô tình trở thành nơi cổ xúy cho mê tín dị đoan. Việc lặp đi lặp lại mô -típ chuyện ma trong kịch, phải chăng cho thấy người nghệ sỹ đang cạn kiệt về ý tưởng?

    Kịch ma nở rộ: Cạn kiệt ý tưởng hay cổ xúy cho mê tín dị đoan?

    Một cảnh trong kịch ma. ảnh minh họa.

    Trao đổi với PV, NS Minh Béo (sân khấu Sao Minh Béo) cho hay: Kịch ma ở trong Sài Gòn được khán giả trẻ yêu thích, vì các bạn trẻ thường hiếu kỳ, yêu thích cái lạ và những yếu tố giải trí hấp dẫn. Ma không chỉ có sự hù dọa mà còn có ý nghĩa nhân văn. Mỗi vở kịch có chủ đề rõ ràng, câu chuyện hấp dẫn chứ không chỉ có nhát ma. Yếu tố nhát ma đã được những vở diễn thời kỳ đầu làm rất thành công rồi nên nếu tiếp tục làm lại, làm tiếp thì khán giả cũng đã quen nên bớt sợ và không sợ nữa. Ngày nay, người ta thường chém giết, chửi rủa nhau, dùng ngôn từ nặng nề với nhau nên chúng tôi muốn hướng con người ta phải sống sao cho ý nghĩa hơn.

    Nêu ra dẫn chứng cho ý nghĩa nhân văn mà mình nhắc tới, NS Minh Béo nói: Vở kịch Xác sống, Một xác hai mạng... là những vở diễn rất thành công thời gian qua với ý nghĩa, cái chính sẽ luôn thắng cái tà. Hồn ma phá án thì cho thấy rằng, những ai giết người sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời. Vở kịch khuyên người ta phải biết ra đầu thú thì mới được hưởng sự khoan hồng. Quái thai - sắp tới sẽ nói về nạn phá thai đang diễn ra ở giới trẻ.

    Khi PV đề cập đến một vở diễn mới bị dừng vì "nội dung mang tính chất cổ xúy mê tín dị đoan, lồng ghép cảnh ma quỷ hù dọa khán giả gây phản cảm" của sân khấu Sao Minh Béo, NS này cho biết, vở kịch bị dừng có nội dung nói về việc đồng bóng trong đám ma, kinh doanh trên thể xác của người chết, buôn thần bán thánh. Tuy nhiên, trước khi đem đi duyệt, đạo diễn không để anh góp ý và không sửa theo hướng tích cực hơn. "Hội đồng kiểm duyệt cũng đã góp ý nên sửa để không mất công sức anh em làm. Tuy nhiên, tôi kiên quyết dừng vì có những cái nhìn lệch lạc. Một số báo nói, hội đồng bỏ nhưng không phải, tôi mới là người nói bỏ. Mình đặt địa vị mình là khán giả và không chấp nhận kịch bản đó nữa", NS Minh Béo nhấn mạnh.

    Không nên lạm dụng yếu tố ma mị

    Không thể phủ nhận kịch ma đã thổi một luồng gió mới vào các sân khấu kịch, thu hút ngày càng đông khán giả đến xem. Tuy nhiên, khi các đạo diễn cũng như các nhà hát ồ ạt đầu tư vào kịch ma, giới chuyên môn lo ngại về tình trạng cạn kiệt ý tưởng trên các sân khấu. Hàng chục vở diễn của mùa mới đều chủ yếu xoay quanh nội dung ma mị. Vậy làm thế nào để nội dung vốn nhạy cảm đó không biến thành giật cân, câu khách? Làm thế nào để kịch nói giữ được giá trị nghệ thuật mà vẫn phản ánh được hơi thở nóng hổi của cuộc sống?

    Trả lời cho câu hỏi trên, NS Minh Béo nhận định: "Khán giả hiện nay rất thông minh, họ đòi hỏi ở người nghệ sỹ sự lao động nghiêm túc. Vở diễn có tính giải trí là đầu tiên nhưng bên cạnh đó, phải có tính nghệ thuật và có ý nghĩa để khi xem xong về họ còn điều gì mà ngẫm nghĩ. Khán giả xem kịch ma thì chúng ta phải định hướng khán giả chứ không phải theo khán giả. Khán giả thích ma là vì sao mình phải hiểu được nguyên nhân. Ma là hình thức mới trong kịch nói và đánh thức được tiềm thức con người. Họ phải sợ thì mới xem để có cảm giác thức tỉnh trong tâm thức. Người diễn phải luôn luôn đặt khán giả vào một phần của vở diễn để khán giả thấy câu chuyện thân thuộc với mình và ngẫm nghĩ được sự đời. Cần có sự đổi mới trong từng vở diễn. Các câu chuyện có chủ đề, có câu chuyện, có tính hấp dẫn; kịch ma để răn đời, có hỉ nộ ái ố, tham sân si.

    Trao đổi với PV, NS Tiến Hợi, nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng: Việc ngày càng xuất hiện nhiều các vở kịch ma là do các sân khấu phía Nam đang chuyển đổi nội dung, lấy tiêu chí ma mị, giật gân làm nội dung để bán, để kinh doanh. Thể loại này đã được các nước làm rất nhiều rồi. Việt Nam bắt đầu mới nảy sinh và phát triển một vài năm gần đây. Ngoài Bắc chưa xuất hiện dòng kịch này, phía Nam thì nhiều hơn. Thể loại đó có lợi gì và không có lợi gì với xã hội hiện nay thì chỉ có khán giả và những  người xem trực tiếp mới trả lời được. Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên sử dụng các chi tiết ma mị trong  một chừng mực, mức độ nào đó, vì lớp trẻ bây giờ cũng thích những gì ly kỳ, giật gân, còn nếu lạm dụng quá thì thành ra không hay. Khán giả đến xem kịch mà chỉ thấy sợ hãi rồi quên thì vở kịch cũng không có giá trị gì".

    Kịch ma nở rộ: Cạn kiệt ý tưởng hay cổ xúy cho mê tín dị đoan?

    Nghệ sĩ Tiến Hợi.

    Cũng theo NS Tiến Hợi, để các sân khấu kịch không trở thành nơi cổ xuý cho mê tín dị đoan, khâu kiểm duyệt phải đặc biệt chặt chẽ. "Các vở kịch được công diễn đều phải được thông qua kiểm duyệt của sở Văn hoá và cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép. Không có giấy phép thì không bao giờ được diễn. Hiện nay, trên truyền hình đưa rất nhiều các tác phẩm hài dí dỏm, hài địa phương. Các tác phẩm này vẫn rất hay và thu hút được khán giả. Điều đó minh chứng rằng, không nhất thiết cứ phải đưa ma quỷ vào nội dung vở diễn thì mới thu hút được người xem.        

    Hạn chế của quá trình xã hội hoá sân khấu?

    Các sân khấu phía Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được khá tốt nhu cầu nhiều vẻ, đa dạng của công chúng. Điều đó cho thấy, sân khấu phía Nam đang thực hiện xã hội hóa thành công và đang hình thành nền nghệ thuật, sân khấu thị trường trong mối quan hệ: Cung- cầu. Tuy nhiên, mô hình hoạt động nhiều hiệu quả và là niềm tự hào của thành phố, là mơ ước của không ít bạn nghề phía Bắc này lại đang bộc lộ một số vấn đề. Điều khiến người ta dễ nhận thấy nhất, đó là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều các vở kịch "thị trường", chạy theo yếu tố giật gân, câu khách khiến không ít khán giả tâm huyết tỏ ra lo lắng. 


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kich-ma-no-ro-can-kiet-y-tuong-hay-co-xuy-cho-me-tin-di-doan-a34496.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan