Số phận vụng tay sắp đặt, khiến ông cụ vẫn ngày qua ngày cùng cây đàn, lang thang qua từng con phố, mua vui cho người và nuôi sống gia đình.
Gần 80 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra những người như cụ Lý phải được an hưởng tuổi già, quây quần bên con cháu. Nhưng, số phận vụng tay sắp đặt, khiến ông cụ vẫn ngày qua ngày cùng cây đàn, lang thang qua từng con phố, mua vui cho người và nuôi sống gia đình.
Từ gia đình danh giá lâm vào cảnh bần hàn
Cụ Đỗ Bá Lý, năm nay đã 79 tuổi, quê gốc ở Móng Cái (Quảng Ninh). Cụ Lý là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Từ thuở nhỏ, nhận ra được những khả năng đặc thù về cảm thụ âm nhạc, cụ được người cha dốc tâm nguyện, gửi gắm cho một ông thầy người Campuchia tên là Chây Sa Khôn dạy chơi đàn violin.
Khi cha của cụ Lý mất đi vì bệnh tật, lần lượt 3 người anh trai của cụ cũng tử vong khi bị trúng bom của giặc Pháp thả trong bữa cơm chiều. Chàng trai tên Lý và mẹ mình may mắn thoát nạn khi được mẹ ẵm đi chơi. Từ đó, gia cảnh nhà cậu bé Lý sa sút dần, nhưng tâm nguyện của người cha được người mẹ thành tâm thực hiện. Lý tiếp thu nhanh từng bài giảng cũng như kỹ thuật chơi violin từ ông thầy người Campuchia. Thời gian dần trôi, thầy về nước, khi đó Lý mới 16 tuổi.
Sự nghiệp âm nhạc tưởng chừng đứt gánh giữa đường khiến chàng trai hụt hẫng. May thay, một người trong Đoàn nghệ thuật kịch nói của tỉnh Hải Dương nhận ra khả năng của anh nên đã đưa Lý về bồi dưỡng thêm và cùng đoàn nghệ thuật này đi biểu diễn ở các tỉnh thành Bắc Bộ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế rồi Lý cũng lấy vợ và chuyển về Hải Phòng sinh sống. Vợ chồng anh Lý sinh được 3 người con, 2 trai và 1 gái. Kể từ đây, gánh nặng cơm áo gạo tiền, khiến anh Lý không thể tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật, nay đây mai đó, mà cũng phải vất vả mưu sinh như bao người khác.
Những tưởng, cuộc sống sẽ bình yên trôi qua, nhưng những người con của anh Lý cũng lần lượt qua đời. Vợ anh Lý sau đó lại tái phát bệnh tim bẩm sinh, anh dốc mọi sức lực và tài sản để giành lại sinh mạng cho vợ. Căn nhà trên đường Tô Hiệu, quận Lê Chân, nơi anh gắn bó từ thuở ấu thơ, được cha mẹ để lại, đã phải bán để lo thuốc thang, chữa trị cho vợ. Mọi cố gắng của anh đã đổ sông, đổ biển khi người vợ không thể qua khỏi. Anh Lý rơi vào cảnh trắng tay: Không gia đình, không nhà cửa!
Tưởng như vậy là hết nhưng cuộc đời không hoàn toàn quay lưng với cụ Lý. Tình yêu lại đến với cụ khi năm 1989, bà Lâm Thị Hải, trú tại quận Lê Chân (Hải Phòng), đồng ý lấy cụ làm chồng. Dù biết cụ Lý không nhà cửa, không nghề nghiệp ổn định, nhưng bà Hải vẫn quyết tâm lấy, bởi bà cảm phục sự chân thật cũng như tình cảm sâu sắc mà cụ Lý dành cho bà. Về chung sống với nhau, vợ chồng cụ Lý phải đi thuê nhà, vợ chồng già kết hợp bán hàng ăn sáng cũng như chạy chợ để sinh sống.
Cụ Lý với cây đàn violin đầy kỷ niệm của mình. Ảnh: M.S |
Định mệnh lại gọi tên và tiếng đàn trở lại
Biến cố dồn dập biến cố, năm 2002, cụ Lý bị u dạ dày, phải lên BV Xanh Pôn Hà Nội điều trị hàng tháng trời. Ở nhà, bà Hải phải chạy vạy, gom góp từng đồng tiền lẻ gửi lên cho cụ chữa bệnh. Bệnh chưa khỏi hẳn nhưng cụ Lý nhất quyết xin về, để rồi đến bây giờ, cơn đau vẫn thường xuyên hành hạ.
Không dừng tại đây, ông trời lại tiếp tục thử sức chịu đựng của cụ Lý, năm 2013, bà Hải bị tai nạn gãy chân, phải phẫu thuật và chữa trị tại BV Việt Tiệp Hải Phòng trong vòng 3 tháng. Đi BV chăm vợ, không làm ăn được gì, tiền nhà trọ đến tháng thì phải trả, không có tiền, chủ nhà trọ đã đuổi vợ chồng cụ Lý ra khỏi nhà. Cụ phải đến ghế đá BV nơi vợ điều trị, ăn nằm vật vờ và tìm kế sinh nhai. Qua nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng, cụ Lý quyết định sẽ đi thổi sáo hè phố, kiếm chút tiền từ người qua đường để lo thuốc thang cho vợ. Thấy cụ già gần 80 tuổi thổi sáo, nhiều người rủ lòng thương cảm, ít nhiều đều biếu tiền cụ.
Rồi cụ Lý nghĩ sẽ kiếm tiền bằng chính đôi tay, bằng bản năng của mình, dần dà, cụ cũng mua được một cây đàn violin, tuy có cũ kỹ nhưng cụ thích lắm. Người dân thành phố Cảng cũng đã quen với hình ảnh một cụ già hiền từ, râu tóc bạc phơ ngày ngày kéo violin ở khu vực hồ Tam Bạc, chợ Sắt và những con phố chính trong thành phôt với những bản nhạc khác nhau, từ nhạc cổ điển cho đến những bản nhạc mang âm hưởng dân ca.
Cụ Lý bảo: “Tôi không nghĩ là ở cái tuổi này tôi sẽ làm được điều đó. Bởi lẽ một ngày lê bước hơn chục cây số, hành trang, đồ nghề trên vai nặng trên chục kg. Hơn nữa, đã mấy chục năm không đụng chạm đến nhạc cụ nên chân tay rất lúng túng. Nhưng tôi lại tự nhủ rằng, mình nghèo nhưng sẽ không đi ăn xin, mình phải kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, hai vợ chồng già không thể nhìn nhau mà chết. Đi dần thành quen, bây giờ tôi lại thấy chân tay như khỏe ra. Có mấy anh xe ôm ở xóm thương tình, thỉnh thoảng cho tôi đi nhờ vài quãng đường. Kiếm được đồng tiền nhờ sức lao động của mình, tôi mừng lắm”.
Nghệ sĩ Đỗ Bá Lý biểu diễn trên phố. Ảnh: T.K |
Thắp sáng niềm tin
Bà Hải đã xuất viện, nhưng vẫn phải có đôi nạng kèm theo bên người, sinh hoạt khó khăn. Hiện tại, vợ chồng cụ Lý thuê trọ ở gần trường ĐH dân lập Hải Phòng. Căn phòng ở một xóm trọ sinh viên, rộng chừng hơn 10m2. Cụ Lý vác đàn đi mưu sinh gần như cả ngày, buổi sáng từ 8 - 11h, buổi chiều từ 14 - 18h, buổi tối từ 20 - 22h. “Cả cuộc đời tôi như một cuốn tiểu thuyết buồn, tôi chưa có được một ngày hưởng trọn niềm vui, đã quen với cảnh được bữa nay, lo bữa mai. Nhưng, trời cho tôi sức khỏe, tôi vẫn còn làm được, vẫn có thể đem tiếng đàn làm vui lòng người. Bất kể ngày mưa, ngày nắng tôi đều đi kèm theo chiếc mũ và chiếc áo tơi. Tôi chỉ sợ lúc ốm đau, không làm được thì sẽ phải chịu đói, chịu bệnh”.
Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của cụ Lý, nhóm tình nguyện “Trái tim kết nối” và nhóm Thiện nguyện niềm tin, là những tổ chức nhân đạo tại Hải Phòng đã có những sự chia sẻ, động viên để giúp cụ Đỗ Bá Lý vươn lên trong cuộc sống. Đầu tháng 4 vừa qua, những tổ chức này đã phối hợp với Ban giám hiệu trường phổ thông nhiều cấp Hai Bà Trưng, quận Ngô Quyền, khai mạc lớp học đàn violin do cụ Lý trực tiếp giảng dạy. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, một mặt giúp các học viên ở các độ tuổi khác nhau hiểu và chơi được đàn violin, mặt khác, với học phí do các học viên đóng góp, góp phần cải thiện cuộc sống cho vợ chồng cụ Lý.
Hàng ngày, cụ Lý tiếp tục với công việc của mình, ban ngày là một nghệ sĩ violin đường phố, buổi tối là một giảng viên, truyền dạy những kỹ thuật và hiểu biết của mình tới các học viên. Tiếng đàn violin vẫn tiếp tục ngân lên…
“Sau này yếu đi, không chơi được violin nữa, tôi hi vọng các cháu sẽ là lớp kế cận, phát huy cái hay cái đẹp của loại nhạc cụ này, bởi lẽ nhạc cụ này khó chơi và rất kén người chơi. Ngoài việc có tài, phải có tâm huyết mới chơi được”, cụ Lý chia sẻ.
Cuộc sống của vợ chồng cụ Lý tuy nghèo nhưng hòa thuận, vui vẻ, chẳng to tiếng với nhau. Con cái không còn, người thân ruột thịt cũng không, nhưng không vì thế mà vợ chồng cụ rơi vào cảnh bi lụy hay mặc cảm. Với lối sống giản dị, đạm bạc, hiền lành, vợ chồng cụ được mọi người xung quanh yêu quý và kính trọng.