+Aa-
    Zalo

    Khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp: Người chết cũng khổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp không chỉ làm cho những người sống cảm thấy khó thở mà còn ảnh hưởng cả đến cả những người chết.

    (ĐSPL) - Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp không chỉ làm cho những người sống cảm thấy khó thở mà còn ảnh hưởng cả đến cả những người chết.

    Kể từ khi chính phủ Hy Lạp áp dụng việc hạn chế số tiền mặt ở các máy rút tiền tự động chỉ ở mức tối đa 60 euro mỗi ngày, người dân Hy Lạp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiến hành các đám tang cho người thân quá cố của mình, bởi chi phí trung bình cho một đám tang gấp 15 lần số tiền này. Việc thiếu tiền mặt để thanh toán trở thành một cơn ác mộng, bởi các công ty tang lễ Hy Lạp luôn nhận thanh toán bằng tiền mặt và người nhà của người chết phải trả trước một khoản cho công ty để họ các thủ tục cho lễ tang.

    Eustratios Voulamandis, chủ của một công ty chuyên về tang lễ ở thủ đô Athens nói với hãng tin ANSA rằng, việc hạn chế số tiền rút cũng khiến cho việc duy trì hoạt động của công ty ông gặp vô cùng nhiều khó khăn.

    Căn phòng rộng phía sau văn phòng làm việc của Voulamandis là nơi đặt quan tài của người quá cố. Công việc vẫn diễn ra như hàng ngày, dù số lượng các quan tài ở đây đã ít đi so với bình thường. Nhiều nhân viên của công ty đang thực hiện các công việc thường ngày của họ. Voulamandis cảm thấy hết sức lo lắng về công việc làm ăn của mình, khi tiền mặt là cả một vấn đề, và ông sợ rằng, công ty có thể rơi vào tình trạng phá sản. "Để tiến hành một lễ tang, chúng tôi cần trước từ 800 đến 1​.000 euro để thực hiện nhiều chi phí khác nhau", ông nói. "Nhưng bây giờ người ta chỉ có thể đưa cho chúng tôi tiền lẻ, 50, 70, thậm chí 20 euro và đề nghị công ty tiến hành tang lễ cho người thân của họ. Đấy là tất cả số tiền mà họ có". Thiếu tiền, công ty của Voulamandis phải hoạt động rất cầm chừng, và nhiều thi thể người quá cố đã phải nằm trong phòng lạnh của họ lâu hơn bình thường vì không thể chôn cất được.

    Người dân Hy Lạp xếp hàng để rút các khoản tiền ít ỏi từ ATM. (Ảnh: AP)

    Những câu chuyện như đã xảy ra ở công ty của Voulamandis xuất hiện rất nhiều trong những ngày qua ở Hy Lạp, trước khi các ngân hàng mở cửa trở lại sau 23 ngày. Hôm 20/7, các ngân hàng đã hoạt động trở lại, đón hàng dài người xếp hàng để rút tiền chi tiêu cho cuộc sống đã hết sức kham khổ của họ. Tuy nhiên, tiền vẫn thiếu, dù các chủ nợ đã đồng ý rót thêm cho nước này nhiều tỷ euro nữa, sau khi các thỏa thuận giữa họ và chính phủ Athens đạt được. Người dân vẫn chỉ được rút tối đa 420 euro trong tuần này, tức vẫn chỉ ở mức 60 euro mỗi ngày.

    Hy Lạp đã cam kết sẽ tiến hành một loạt các cải cách mới theo hướng thắt lưng buộc bụng hơn để đánh đổi lấy các gói cứu trợ của nước ngoài, đồng thời tiếp tục đề nghị các chủ nợ cắt giảm các khoản nợ cho họ, điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định là "không thể được" trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD hôm 19/7. Mặc dù vậy, bà cũng để ngỏ khả năng sẽ có những điều chỉnh trong thời hạn trả nợ cũng như lãi suất. Tuần này cũng là tuần có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Alexis Tsipras. Theo báo chí Hy Lạp, ông Tsipras có khả năng sẽ phải từ chức nếu như những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền của ông không được giải quyết.

    Dân Hy Lạp thở phào vì ngân hàng tái mở cửa

    BBC đưa tin, Athens đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế tuần trước, theo đó nước này cam kết cải cách để nhận được cứu trợ tiền mặt và tránh phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

    Cảnh xếp hàng dài chờ rút tiền tại các máy rút tiền tự động (ATM) đã trở thành một đặc điểm trong đời sống của người dân Hy Lạp nhiều tuần qua.

    Cuộc sống của người dân Hy Lạp bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng nợ. (Ảnh:Reuters)

    Với các biện pháp kiểm soát vốn được siết chặt, hạn mức rút tiền của mỗi người chỉ là 60 Euro/ngày để tránh cho các ngân hàng rơi vào tình trạng hết sạch tiền mặt.

    Nhưng kể từ sáng nay, dân chúng Hy Lạp đã có thể "thở phào", bởi họ không còn phải đứng chờ mỏi chân ở khu vực máy ATM. Bên cạnh đó, hạn mức rút tiền mỗi ngày được chuyển thành một tuần một lần, cao nhất là 420 Euro.

    Tuy nhiên, một số giới hạn vẫn có hiệu lực và người Hy Lạp đang phải đối mặt với giá cả tăng và mức thuế giá trị gia tăng (VAT) cao hơn. Họ phải trả nhiều tiền hơn cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, trong đó có taxi và nhà hàng. Mức VAT tăng từ 13\% lên tới 23\%.

    Và sâu xa hơn, nước này vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề tài chính dài hạn. Thất nghiệp vẫn ở mức rất cao và tình trạng suy thoái hiện nay là ngang ngửa với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nổi tiếng nhất trong lịch sử.

    Nhiều thành viên trong đảng cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras phản đối gay gắt các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đặt ra nhưng Quốc hội đã chấp nhận thông qua một cuộc bỏ phiếu.

    Và kết quả này đã dọn đường cho Hy Lạp nhận một gói vay bắc cầu, cho phép tái mở cửa các ngân hàng và giúp Athens thanh toán nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào hôm nay.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khung-hoang-tai-chinh-tai-hy-lap-nguoi-chet-cung-kho-a102781.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.