Mỗi cuối tuần, hàng trăm phụ huynh ở khắp các thành phố lớn của Trung Quốc lại đến các công viên công cộng để tham gia vào các cuộc hẹn hò chóng vánh. Tuy nhiên, họ không cố gắng tìm kiếm tình yêu cho chính mình, mà họ thay mặt cho chính những đứa con trưởng thành của họ.
Phụ huynh tập trung tại Công viên Trung Sơn, Bắc Kinh. Ảnh: Inkstone / Qin Chen |
Những “phiên chợ hôn nhân” trở thành một hiện tượng ở Trung Quốc trong khoảng 20 năm gần đây. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thường tìm đến các “phiên chợ” này vì muốn giúp con cái của họ, song không cho chúng biết.
Trong công viên, các bậc cha mẹ mang theo một tấm bảng ghi thông tin về con của họ bao gồm: tuổi, chiều cao, cân nặng, công việc, mức lương, quyền sở hữu tài sản, v.v. Các tấm bảng thường được đặt trên mặt đất.
Các phụ huynh khác đi ngang qua và bắt đầu các cuộc trò chuyện để biết thêm chi tiết về các “ứng viên”. Nếu thấy hai bên có điểm tương đồng, cha mẹ sẽ sắp xếp ngày để các con gặp nhau.
Các cuộc trò chuyện diễn ra rất nhanh, tuổi tác và chiều cao thường là những lý do hàng đầu để bị từ chối. Trong một chuyến đi đến Công viên Trung Sơn ở Bắc Kinh, một trong những chợ hôn nhân ở thủ đô, phóng viên Inkstone tình cờ nghe một bà mẹ của một cô gái nói với phụ huynh của một chàng trai rằng: “Cao 1,82 m? Không được rồi. Con gái tôi cao 1,58 m. Chúng sẽ không thể là một cặp".
Những cuộc tụ họp hàng tuần này đã diễn ra từ khoảng năm 2004, phát triển từ những buổi gặp mặt xã hội hàng tuần trong công viên. Những cuộc trò chuyện của mọi người trong những buổi họp mặt đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của con cái họ. Cuối cùng, điều này đã trở nên có tổ chức hơn.
Người dân địa phương gọi chúng là xiangqin jiao, hoặc góc mai mối. Những người khác gọi chúng là chợ hôn nhân. Vào đầu những năm 2000, chúng trải rộng khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Quảng Châu. Bây giờ xiangqin jiao là một tình trạng phổ biến ở hầu hết các thành phố ở Trung Quốc.
Ảnh: Inkstone |
“Chợ mai mối” tại Công viên Trung Sơn không hề có chỗ cho sự lãng mạn. Phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến tuổi tác, nơi sinh sống và thu nhập của ứng viên. Công viên tràn ngập các tờ quảng cáo ấn tượng: nhà phát triển trò chơi, chủ ngân hàng, họa sĩ sơn dầu, chuyên gia…
Tuy nhiên, tương lai của “chợ mai mối” là không chắc chắn. Những người sinh ra trong những năm 1980 và 1990 lớn lên khi đất nước giàu có hơn, được hưởng nhiều quyền tự do cá nhân và lựa chọn cuộc sống hơn cha mẹ họ.
Hou Hongbin, một tác giả về nữ quyền ở Quảng Châu, phản đối nỗ lực của các bậc cha mẹ, nói rằng các khu chợ “cho thấy một số bậc cha mẹ Trung Quốc không có khái niệm về ranh giới. Họ có thể tìm thấy ai đó phù hợp với lý tưởng của họ, nhưng cũng có thể không phù hợp với người bạn đời lý tưởng của con họ ”. Cô cho biết các bậc cha mẹ cứng đầu đã gạ gẫm kết hôn bất chấp sự phản đối của con cái, họ cuối cùng phải tham gia những buổi hẹn hò trái với ý muốn của họ.
Lijia Zhang, một nhà văn và nhà bình luận xã hội sinh ra ở Trung Quốc, cho biết: “Tư tưởng Nho giáo coi hôn nhân có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình và xã hội. Theo truyền thống, kết hôn và sinh con là một phần của lòng hiếu thảo”.
Nền tảng của các giá trị Nho giáo, đạo hiếu yêu cầu con cái phải kính trọng, vâng lời cha mẹ, phụng dưỡng khi về già.
Zhang cho biết các bậc cha mẹ thường đến những khu chợ này mà không có sự chấp thuận của con cái họ, hoặc thậm chí không biết. Đối với họ, tương lai hôn nhân của con là điều quan trọng hơn tất thảy.
Một người đàn ông 60 tuổi có tên Sui nói với Inkstone rằng, ông cảm thấy mâu thuẫn về cảm xúc vào cuối mỗi tháng. “Đó là lúc tôi được trả lương, vì vậy tôi thường cảm thấy tuyệt vời, nhưng đồng thời, tôi được nhắc nhở rằng con gái tôi đã thêm một tháng nữa chưa kết hôn. Trời đất ơi!”, ông ấy nói.
Ông Sui đã thường xuyên đến công viên Trung Sơn trong hai năm qua. Ông hy vọng sẽ tìm được một người đàn ông có học thức và tử tế cho cô con gái 37 tuổi của mình, hiện đang là giáo viên dạy môn nghệ thuật tự do.
“Tôi có thể trò chuyện với bất kỳ phụ huynh nào”, ông ấy nói, “nhưng tôi đồng cảm với những bậc cha mẹ trông có vẻ quẫn trí. Tôi hiểu họ. Họ chỉ lo lắng về tình trạng độc thân của con mình”.
Phụ huynh của một người đàn ông 35 tuổi làm việc trong lĩnh vực tài chính đang tìm kiếm con dâu tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE |
Đôi khi, những người trẻ tuổi tự mình “đi chợ” với cơ hội tìm được một đối tác tiềm năng. Phụ nữ độc thân trên 30 tuổi thường khó thu hút sự quan tâm từ các bậc phụ huynh hơn là nam giới cùng tuổi.
Một phụ nữ họ Cao (sinh năm 1984) trông trẻ trung với mái tóc xoăn là một trong số ít phụ nữ đến công viên Trung Sơn để tìm kiếm một nửa phù hợp cho mình. Cô dừng lại trước mặt hầu hết tất cả phụ huynh có con trai, nói với họ tuổi của cô và hỏi liệu họ có hứng thú không. Cô nhận được hầu hết những lời từ chối trực tiếp.
“Xin lỗi, chúng tôi đang tìm một người sinh sau năm 1987”, một bà mẹ có con trai 40 tuổi nói với cô Cao.
Cô Cao cho biết đây là trải nghiệm đầu tiên của cô về thị trường hôn nhân. Cô cảm thấy "lo lắng và căng thẳng", nhưng nghĩ rằng đó là một bước cần thiết và muốn "phấn đấu cho hạnh phúc của riêng”.
Cô nói: “Trong loại thị trường này, tỷ lệ nam giới so với nữ giới thường vào khoảng 1/9”.
Hou, tác giả người Quảng Châu, cho biết phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt tuổi tác nhiều hơn nam giới vì các giá trị xã hội “không công bằng”.
Ông Hou cho biết: “Đàn ông được đánh giá dựa trên ảnh hưởng của họ trong xã hội, trong khi phụ nữ được đánh giá bởi khả năng sinh sản và sức hấp dẫn tình dục của họ”. "Họ lo lắng rằng một khi con gái của họ vượt qua thời kỳ đỉnh cao của mình, cô ấy sẽ mất sức hút với một người đàn ông và khó có con”.
Vào năm 2018, các nhà báo từ hãng tin địa phương Thepaper.cn đã đến một khu chợ hôn nhân nổi tiếng tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải và thu thập được hơn 870 tờ thông tin trong vài tuần. Họ nhận thấy rằng hầu hết các quảng cáo dành cho nam giới từ 27 đến 43 tuổi, tiếp theo là phụ nữ từ 26 đến 35 tuổi.
Trong công viên ở Bắc Kinh, một người mẹ của một con gái 31 tuổi nói: “Phụ nữ sẽ rất khó sinh con sau tuổi 35. Phụ nữ 40 tuổi kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng. Nếu không sinh được thì họ cũng vô dụng”, bà mẹ này nói.
Khi ánh sáng tắt dần, hầu hết các bậc cha mẹ đã rời đi mà không đạt được điều gì. Các bà mẹ xếp hàng trước nhà vệ sinh phàn nàn rằng một ngày của họ ở công viên thật lãng phí thời gian và năng lượng. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng họ có thể sẽ quay lại phiên chợ tiếp theo.
Mộc Miên(Theo inkstonenews.com)