Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, cấp phòng được thực hiện tại 36 cơ quan, đơn vị, gồm 14 bộ, ban ngành và 22 địa phương.
Vào chiều ngày 27/6, tại buổi họp báo định kỳ, Người phát ngôn, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo chỉ áp dụng đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương. Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại.
Báo Tiền Phong đưa tin, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, việc thực hiện đề án này nhằm mục tiêu “phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm.
Ông Nguyễn Duy Thăng (ảnh trái), Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VOV |
Khi tổ chức thi tuyển phải có 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh tuyển chọn. Tuy nhiên, khi thi mà chỉ có 1 người tham dự thì vẫn tổ chức thi theo kế hoạch. Trong trường hợp chỉ có 1 người hoặc không có ai đủ điều kiện dự tuyển, thì tập thể và cấp ủy đó phải đề cử thêm, hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia thi tuyển.
Điều đặc biệt, theo đề án này đã mở rộng ra cả các đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên.
“Đối tượng được thi tuyển là công chức, viên chức. Với trường hợp phó phòng công tác tối thiểu 3 năm, không kể thời gian thử việc, có thể có anh em chuyên môn rất tốt, nhưng chưa được kết nạp đảng. Vì vậy, số anh em đủ điều kiện như vậy là được thi để chọn những người giỏi nhất thông qua thi tuyển”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng lý giải thêm.
Theo báo Vietnamnet, công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nội dung thi tuyển gồm 2 phần: Thi viết và trình bày đề án. Trong đó thời gian thi viết gồm 180 phút, bao gồm: kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do hội đồng thi tuyển quy định.
Phần thi trình bày đề án tối đa 45 phút, với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp. Đồng thời phải nêu được chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh đó.
Sau đó, ứng viên có 60-90 phút để trả lời câu hỏi chất vấn.
Được biết đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, cấp phòng được thực hiện tại 36 cơ quan, đơn vị, gồm 14 bộ, ban ngành và 22 địa phương.
(Tổng hợp)