Từ lâu, đi lễ đầu xuân tại các nơi thờ tự, tâm linh đã gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt được lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành một nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc hiểu sai về ý nghĩa của đi lễ đầu năm đã dẫn đến những hình ảnh phản cảm tại các khu tâm linh thờ tự khiến một nét đẹp của văn hóa Việt trở nên méo mó.
Không khó để tìm kiếm những hình ảnh phản cảm tại lễ hội, sân chùa đầu năm. Từ nam thanh nữ tú ăn mặc hở hang, hồn nhiên khấn vái. Tình trạng trai làng lao vào giành lộc theo quan điểm “Lộc đến tay, vận may sẽ đến”. Chẳng biết có may thật hay không nhưng không ít người vỡ đầu, mẻ trán.
Những hình ảnh phản cảm vẫn xảy ra bởi ý thức kém hay thiếu hiểu biết. |
Có những người đến chùa, nơi tâm linh thờ tự mà như đang đi “mặc cả với thánh thần”, đi chùa theo kiểu “cướp may, cầu lộc”. Còn lễ hội là cơ hội của những người chực chờ giật cướp một thứ vận may vô hình nào đó.
Nhìn những hình ảnh cướp lộc tại chùa Hương, cướp hoa tre đền Gióng đến biển người trẩy hội với đủ mốt hở hang phản cảm, cho thấy lễ hội đầu xuân vốn là nét đẹp văn hóa nay lại trở thành những hình ảnh kém văn hóa. Nhiều đình chùa còn phải trưng biển yêu cầu về trang phục đối với người đi hành lễ nhằm hạn chế những người ăn mặc phản cảm, không phù hợp với không gian tâm linh.
Đi lễ chùa, lễ hội đầu năm xưa kia thường gắn liền với yếu tố tâm linh tự thân của người đến, họ đến với đền chùa để cầu may mắn bình yên cho mình và người thân... Tuy nhiên, những ngày đầu xuân, chùa chiền nơi nào cũng đông đúc với những dòng người nhích từng bước một, “nhớp nhúa mồ hôi, lôi thôi đồ lễ”.
Ý thức kém đã làm hỏng văn hóa tâm linh nơi đền chùa. |
Cảnh người đi lễ sẵn sàng nhét tiền vào tận tay, miệng tượng Phật theo kiểu “hối lộ thánh thần” hầu như nơi nào cũng có, tạo ra những bức tranh hết sức luộm thuộm tại nơi tôn nghiêm.
GS.Trần Lâm Biền từng nói: “Chúng ta quên một công việc quan trọng trong văn hóa, đó là giáo dục tâm linh. Bởi vì những người quản lý tín ngưỡng bị rơi vào vòng xoáy kinh tế. Họ quên, thậm chí không hiểu về bản chất của tâm linh để giáo dục chúng sinh. Để chúng sinh càng mù mờ bao nhiêu càng làm lợi cho kẻ buôn thần bán thánh”.
PV đã có trao đổi với các chuyên gia văn hóa, các sư thầy về việc đi lễ chùa thế nào cho đúng.
Ông Nguyễn Văn Trịch, thủ từ đền Sĩ Nhiếp (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) Tôn trọng nơi tôn nghiêm thì mới thể hiện được lòng thành Không chỉ đi lễ chùa, lễ đình, đến bất kỳ nơi tôn nghiêm nào mọi người cần giữ thái độ tôn trọng nơi tôn nghiêm. Nếu có mâm cao cỗ đầy dâng lên các thánh thần, những người có công mà không biểu hiện sự thành kính bằng tấm lòng thì mâm cao cỗ đầy ấy không có ý nghĩa gì cả. Việc tôn trọng nơi tôn nghiêm bằng y phục xứng đáng là thể hiện những người có văn hóa. Để trả lại không gian văn hóa cho các di tích, những điểm tâm linh, mỗi người dân cần có ý thức trong hành động của riêng mình. Bên cạnh đó, cần dừng việc rải tiền lẻ đi khắp nơi bởi nhà đền hay nhà chùa, các nơi thờ tự luôn có hòm công đức. Đây chính là nơi tiếp nhận những tấm lòng của chư vị thập phương cho việc tôn tạo, duy tu công trình văn hóa, tâm linh. Tiền công đức không quan trọng là bao nhiêu, dù ít dù nhiều nhưng đó là lòng thành tâm của mình, không nên so bì. Rải tiền lẻ khắp nơi khiến người nhà chùa, đền phải đi dọn dẹp, mất thêm công sức mới có thể duy tu vào nơi thờ tự, làm như vậy hết sức thiếu văn hóa và lãng phí. |
Sư thầy Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng): Đừng nghĩ lễ cao sẽ tạo được phước duyên nơi cửa Phật Thưa thầy! Việc đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt. Tuy nhiên, nhiều người đang chưa biết đi chùa, đi lễ như thế nào cho đúng. Ý kiến của thầy về vấn đề này như thế nào? Trước hết, việc đi lễ đến những nơi thờ tự là một phong tục đẹp và cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, các phật tử, quan khách cần đi đến những nơi thờ tự trước hết bằng tấm lòng tôn kính với các vị thánh nhân, với những người có công. Không chỉ với Đức Phật mà với tất cả những vị thánh nhân được nhân loại ngưỡng mộ, thành kính. Các vị phật tử đến với chùa phải bằng tâm lý an nhiên, thảnh thơi thì mình mới có thể gặp Phật được. Không ít người đi chùa cầu an với tâm lý lễ vật càng lớn thì lời khẩn cầu của mình càng được Phật chứng giám, theo thầy quan niệm này có đúng không? Đây là việc hoàn toàn sai và cần phải thay đổi quan niệm này. Đức Phật luôn chú trọng luật nhân quả, gây nhân tốt thì gặp quả lành. Không phải cúng Phật bằng lễ lớn là Phật sẽ độ lành. Mà việc đó là tạo phước duyên tùy theo hoàn cảnh của mình. Phật đã dạy rằng tạo phúc không phải ở việc cúng nhiều hay cúng ít mà cốt ở thành tâm. Còn nếu mình không có điều kiện thì mình đến Phật bằng sự thành tâm chắp tay cúng Phật ở nơi tôn nghiêm thì lòng thành ấy vẫn được chứng giám. Thời gian gần đây việc đi lễ chùa, lễ hội, đến những nơi tâm linh thờ tự của người dân đang tạo ra rất nhiều hình ảnh phản cảm như rải tiền lẻ, nhét tiền đủ khắp mọi nơi. Thầy nhìn nhận về hiện trạng này như thế nào? Đây là những việc làm hết sức phản cảm đã tái diễn nhiều năm gần đây. Việc này cần phải điều chỉnh. Cá nhân tôi vẫn chia sẻ với các phật tử của mình về việc rải tiền lẻ, nhang đèn không có kiểm soát. Đây là những việc không nên. Nguyên nhân xảy ra những vụ việc như vậy một phần do tâm lý a dua của một bộ phận người trẻ. Việc rải tiền như vậy không khác gì “ăn mày cửa Phật”. Mọi người cần biết ý nghĩa của việc để tiền nơi cửa Phật là chỉ giúp nhang đèn nơi cửa Phật chứ không phải để Phật tiêu mà nhét tận tay. Không nơi nào nhét tiền vào tay Phật như ở ta. Việc này cần chấn chỉnh, tránh tạo những điều xấu nơi cửa Phật. Xin cảm ơn thầy! |
*Bài viết đã được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật
Trần Phương