Theo báo Tuổi trẻ, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điểm mới ở lần trình này là Chính phủ quyết định không thực hiện giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như đề xuất trước đó.
Theo đó, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đây là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.
Thông tin trên báo VOV, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Theo tính toán của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, với mức giảm 2%, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.800 tỷ mỗi tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng, thông tin trên Vietnamnet.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban này nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022, đặc biệt trong các tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỷ đồng khi áp dụng việc giảm thuế vì cho rằng, khoản giảm thu này chưa được tính toán trong gói chính sách của Nghị quyết số 43 cũng như trong dự toán ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Theo bà Chi, việc giảm thuế VAT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Đó là đề xuất mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng 2%, áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,…
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, khi ban hành Nghị quyết 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng.
Bà Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thẩm tra không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng, song không đồng tình với đề xuất mở rộng phạm vi hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế như Chính phủ đề xuất.
Vân Anh(T/h)