(ĐSPL) - Việc UBND phường Ô Chợ Dừa mời các hộ kinh doanh tới kiểm tra sức khỏe VSATTP là theo quy định của phòng Y tế quận từ nhiều năm nay - Bà Trần Thị Bích Thái - PCT UBND Phường Ô Chợ Dừa khẳng định.
Nhiều ngày qua, người dân phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) phản ánh về thông tin việc UBND phường này gửi giấy mời họ phải đi khám sức khỏe vệ ATVSTP tại trạm y tế kèm thu phí gây bức xúc dư luận.
Theo tìm hiểu của PV, người dân cho biết các hộ kinh doanh ăn uống bán lẻ trên địa bàn phường nhận được giấy từ ngày 1/11 và hẹn phải có mặt tại trạm y tế phường. Khi đi đề nghị mang theo 181.000 đồng, các hộ dân không đi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngay sau khi những thông tin và hình ảnh trên được chia sẻ đã nhận được sự chú ý của nhiều người. Một số ý kiến băn khoăn về việc UBND phường bắt buộc người dân đi khám sức khỏe, kèm theo phí như vậy là chưa hợp lí.
Giấy mời UBND phường Ô Chợ Dừa gửi cho các hộ dân |
Cô Vui - hộ kinh doanh quán phở cho biết, dù ủy ban phường không có giấy yêu cầu đi khám sức khỏe thì cô cũng sẽ khám tại bệnh viện đa khoa. Tuy nhiên, cô Vui khá băn khoăn về chất lượng khám và dụng cụ y tế liệu có đảm bảo? "Phường tổ chức những buổi khám theo tôi là tối, dù phường không làm tôi cũng vẫn khám vừa tốt cho mình vừa đảm bảo kinh doanh cho khách hàng. Tôi chỉ hơi thắc mắc về kinh phí và bác sỹ thăm khám, không biết có tốt như bệnh viện không?" - Cô Vui lo lắng.
Trao đổi thêm với PV, bà phó chủ tịch phường Ô Chợ Dừa, khẳng định việc mời người dân đi khám sức khỏe là hoàn toàn tích cực và không phải như một số ý kiến thắc mắc.
Theo bà, đây là một trong những hoạt động của phường trong việc quản lý, nâng cao chất lượng ATVSTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đối tượng của giấy mời là các chủ cơ sở thuộc quản lý của phường và những người trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chứ không phải mời toàn bộ người dân trong phường.
“Theo quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo hai yếu tố về kiến thức cũng như sức khỏe đối với người trực tiếp kinh doanh. Những người mắc bệnh như lao, bệnh truyền nhiễm,… sẽ không được tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Phường tổ chức khám sức khỏe là theo quy định từ Phòng Y tế quận (quận Đống Đa – PV) triển khai đối với tất cả các phường trên địa bàn. Vì vậy, phường đã tổ chức khám tập trung để tạo thuận lợi cho các cơ sở cũng như sức khỏe của người dân” – bà Thái thông tin.
Về số tiền 181.000 đồng trong giấy mời, Phó chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết đây là khoản phí khám bệnh theo quy định của pháp luật, bao gồm việc xét nghiệm máu, nước tiểu, lao, tiêu chảy...
“Số tiền này sẽ được thu và nộp về kho bạc nhà nước, phường tổ chức với phòng khám của quận để tiện cho người dân việc đi lại và báo sẵn kinh phí để họ chủ động vì xưa nay người dân có suy nghĩ đi khám bệnh là sẽ tốn nhiều tiền” – bà Thái nói.
[mecloud]k4z9r2bh3s[/mecloud]
Trả lời về nội dung nếu người dân không đến khám sức khỏe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bà Thái cho hay điều này là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, pháp luật đã quy định đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm thì phải có chứng nhận về sức khỏe. Nếu chủ cơ sở không đến khám hoặc không tổ chức cho công nhân của mình đến khám, sau này khi kiểm tra mà phát hiện thiếu chứng nhận về sức khỏe thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.
Trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Trung - Phó thanh tra Sở Y tế Hà Nội về giá trị của giấy khám sức khỏe từ Trung tâm Y tế quận Đống Đa - Hà Nội ông Trung cho hay, "Giá trị giấy khám sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa hay các Trung tâm Y tế là như nhau. Việc phường tổ chức mời các hộ dân đi khám sức khỏe để tạo điều kiện tốt hơn cho việc tuyên truyền ATVSTP và sức khỏe của người dân, đây là một hoạt động tốt".
Điều 3. Yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm(Thông tư Số: 15/2012/TT-BYT quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) 1. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. 2. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khoẻ được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế; đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế, người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được cấy phân phát hiện mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) và phải có kết quả cấy phân âm tính; việc khám sức khoẻ, xét nghiệm do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. 3. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất thực phẩm. 4. Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang. 5. Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành đảm bảo vệ sinh: giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ. Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Hoàng Nhung
Video: [mecloud]wwPEU0n2Ed[/mecloud]