Khẩu sli hay còn được gọi với tên gọi khác là “khẩu xà” là đặc sản của một số dân tộc thiểu số như Tày, Nùng tại Cao Bằng. Ở nhiều nơi, món ăn này còn được gọi với tên khác như bánh gạo nếp nổ hay bánh bỏng kẹp lạc…
Giống như mọi năm, mỗi gia đình người Tày, Nùng đều tất bật gói bánh chưng, làm bánh khảo để có những ngày Tết ý nghĩa mang đậm nét truyền thống dân tộc vùng miền. Dù ít hay nhiều, trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình nơi đây đều không thể thiếu một túi bánh khẩu sli được đặt cùng bánh kẹo, mứt tết.
Khác với các loại bánh ngọt được sản xuất từ những xưởng sản xuất công nghiệp lớn thì khẩu slii Cao Bằng chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ tại các hộ gia đình có truyền thống lâu đời, bởi ai cũng biết để làm ra được những chiếc bánh giòn, ngon thật không dễ dàng, đòi hỏi những người thợ có tay nghề khéo léo, kiên trì.
Được biết, ngoài màu trắng kem thuần khiết của gạo, khẩu sli còn có thêm nhiều màu sắc như: màu vàng của loại hoa rừng, màu tím của cây lá cẩm, màu cam của quả gấc, màu xanh của lá dứa tạo nên một món ăn hài hoà màu sắc.
Món ăn được chắt chiu từ những hạt gạo “quý”
Công đoạn làm bánh tương tự như làm xôi nhưng có phần cầu kỳ hơn là đem phơi dưới ánh nắng để khi chiên có độ phồng, giòn tan. Những hạt gạo sau khi được chiên trên dầu sôi sẽ nổi phồng căng, bóng bẩy, trông rất bắt mắt.
Từ lâu, khẩu sli được chế biến theo công thức cổ truyền, tất cả các nguyên liệu đều có sẵn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những hạt gạo được chiên vàng sẽ được trộn với đường phên, rải thêm lạc cho thơm. Mẻ đường vừa được nung nóng bám chặt lấy bánh, khi ăn giòn tan, có vị ngọt của đường, vị thơm của lúa mới và vị bùi của lạc khiến người ăn nhớ mãi.
Một điều đặc biệt mà ít ai biết là miếng khẩu sli phải cầm chắc tay, ăn giòn rụm thì mới được gọi là chất lượng. Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, chị Nông Thị Lan chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ, tôi thích ăn nhất món bánh khẩu sli, khác với các loại bánh khác, nó mang đậm hương vị truyền thống quê nhà, gần gũi, thân thương. Khi thưởng thức có thể cảm nhận được được độ ngọt của đường cứ mãi vấn vương mãi trong tâm trí, rất khó để tôi có thể tìm kiếm được một thứ hương vị thân quen tưởng như lạ lẫm này thêm một lần nữa”.
Món ăn khoái khẩu của trẻ em
Không giống hương vị cay cay, mặn mặn của bim bim, khẩu sli mang vị ngọt ngào của đường phèn giờ đây đã trở thành món ăn khoái khẩu của những đứa trẻ nơi đây. Được thưởng thức món ăn này trong những ngày Tết, nhất là tiết trời đang giao mùa chuyển mình sang năm mới thì còn gì tuyệt vời hơn. Những tiếng vui cười, reo lên của đám trẻ khi được bố mẹ mua cho một túi Khẩu xi thưởng thức.
Lưu giữ văn hoá truyền thống làm bánh khẩu xi
Trang phục, tiếng nói, chữ viết và những nét văn hoá ẩm thực là vốn quý của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với con người Cao Bằng, khẩu sli là món ăn mang nhiều giá trị truyền thống từ thời ông cha để lại, họ trân trọng, giữ gìn ẩm thực văn hoá của quê hương mình.
Những món ăn giản dị, mộc mạc như khẩu sli là món quà nuôi dưỡng con người nơi đây. Dù xã hội có phát triển, cái mới lên ngôi, nhưng những phong tục trong dịp Tết Nguyên đán của một vùng miền phía Đông Bắc vẫn luôn được bảo tồn, ngày càng phát huy, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá dân tộc, dù là người con xa quê đi chăng nữa, nhưng mỗi khi có dịp là sẽ trở về thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị của chính quê hương mình.
Ngọc Diệp - Thảo Ly