+Aa-
    Zalo

    Khát vọng cháy của những ngọn nến ở xóm chạy thận khi Tết đến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bao nhiêu cái Tết xa nhà, họ luôn mong ước rằng sẽ có ngày được cùng cả gia đình sum vầy cùng đón giao thừa.

    (ĐSPL) - Thời khắc giao thừa, khi tiếng pháo hoa nổ vang trên bầu trời cùng với các vệt sáng nhấp nháy nơi phố thị phồn hoa, đâu đó ở một góc tối tăm vẫn có những con người đang cố gắng từng giây để giành giật sự sống của mình.

    Họ biết rằng, với căn bệnh quái ác đang mắc phải, số phận đang như những ngọn nến lay lắt. Bao nhiêu cái Tết xa nhà, họ luôn mong ước rằng sẽ có ngày được cùng cả gia đình sum vầy cùng đón giao thừa. Nhưng cái điều giản dị đó dường như lại quá xa xỉ đối với những người đã nhập cư vào... "xóm chung thân".

    Những con người "bị kết án chung thân"

    Xóm chạy thận nằm trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi đến đây, đập vào mắt tôi là những căn nhà nhếch nhác, khung cảnh ảm đạm, tĩnh lặng đến nao lòng. Những thân phận tiều tụy này đang lạc lõng giữa dòng người hối hả chuẩn bị đồ đạc thời điểm Tết đến xuân về. Khi đến đây, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến câu nói của nhà văn Jack London: "Khả năng của con người là sống chứ không phải là tồn tại". Nhưng bao năm qua, kể từ khi có "hộ khẩu" của xóm chạy thận, bị căn bệnh quái ác giày vò, hành hạ, có lẽ gần 130 con người cùng cảnh ngộ này chưa một ngày nào được sống một cách đúng nghĩa cả.

    Tiếp chúng tôi là anh Mai Anh Tuấn (40 tuổi, quê ở Cố Đô, Ba Vì, Hà Nội), người được các cư dân xóm chạy thận bầu là "tổ trưởng". Anh Tuấn chỉ là người có thâm niên chạy thận thứ hai (19 năm) ở xóm này. Do nhiệt tình với bà con nên anh được tín nhiệm. Phòng anh Tuấn trên gác hai của căn nhà lụp xụp, nhếch nhác, ẩm thấp và tối mờ mờ như chính tương lai của những cư dân này. Khi chúng tôi lên phòng, người đàn ông này đang nằm co ro trên giường, bên cạnh là chiếc đài nhỏ quay băng phát ra những bài nhạc Phật. Anh nói rằng, khi nghe những bài nhạc "Nam mô a di đà Phật", anh cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và thanh thản. Trên cơ thể người đàn ông này chi chít những vết sẹo lồi lõm. Đó là những tàn tích của việc 3 lần/tuần đến bệnh viện Bạch Mai chạy thận.

     "Tổ trưởng" Mai Anh Tuấn kể về cuộc sống ở xóm chạy thận.

    "Hầu hết chúng tôi đều là dân tỉnh lẻ. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng cùng bị căn bệnh thận hành hạ. Chúng tôi đã quen với những cái Tết xa nhà, quen với sự cô đơn mỗi khi xuân về. Nhìn thấy những gia đình vui vẻ, hối hả mua sắm Tết, chúng tôi thèm lắm. Nghĩ đến vợ con ở quê mà không cầm được nước mắt. Chúng tôi ở đây chỉ biết an ủi, động viên nhau cùng sống qua ngày", anh Tuấn buồn rầu bảo.

    Anh Tuấn phát hiện ra bị bệnh thận từ năm 6 tuổi. Tuy nhiên, ngày đó, gia đình anh nghèo nên không có điều kiện chữa trị. Anh cứ sống khi căn bệnh quái ác này đang hàng ngày, hàng giờ lặng lẽ gặm nhấm cơ thể mình. Sau khi lấy vợ được 1 năm, thì căn bệnh của anh trở nên trầm trọng. Xuống bệnh viện Bạch Mai khám, người ta nói thận của anh đã không còn khả năng tự lọc được nữa. Thế là tuần 3 lần, anh phải di chuyển từ Ba Vì xuống đây để chạy thận. Tiền không có, 19 năm qua, anh phải bán ruộng bán vườn, bán đi tất cả những gì mình có, chỉ để lại căn nhà cấp 4 lụp xụp, nơi chui ra chui vào cho vợ và cô con gái.

    Thế rồi khi "chuyển khẩu" về xóm chạy thận, anh đi bán nước chè ở các vỉa hè để lấy tiền tự trang trải. Tuy nhiên, 30 ngày thì mất 12 ngày chạy thận, những ngày còn lại thì khi ốm khi đau. Có khi cả tuần trời bày hàng ra bán được một lúc, anh lại phải dọn vì cơn đau hành hạ.

    Nói về lịch sử xóm chạy thận, vị "tổ trưởng" này cho biết, anh nghe những người lớn tuổi kể lại, từ 40 năm trước, bệnh viện Bạch Mai đã thành lập khoa Thận nhân tạo. Thời điểm ấy, ở khu vực ngõ Cột Cờ, đường Lê Thanh Nghị (khi đó còn là ngoại thành) cũng hình thành nên một khu xóm trọ dành cho các bệnh nhân phải chạy thận. Trải qua bao thăng trầm mưa nắng, đã có hàng nghìn con người từng sống qua nhiều thế hệ ở đây để "thi hành án chung thân" với bệnh viện trong suốt những năm tháng cuối đời.

    Trước đây, ngay sau khoa chạy thận của bệnh viện Bạch Mai cũng có một xóm chạy thận chỉ mấy chục người dựng lán sống ở đó. Tuy nhiên, cách đây mấy tháng, bệnh viện xây bãi gửi xe, xóm này đã bị giải tỏa nên tất cả lại dồn sang ngõ 121 Lê Thanh Nghị. Anh Tuấn cho hay, người lớn tuổi nhất ở đây là cụ ông 77 tuổi, người nhỏ tuổi nhất năm nay mới 19. Trong khi có “cựu” công dân chạy thận đã 21 năm ăn Tết xa nhà thì có người mới "nhập cư" được 1 tháng.

    Tình người lớn lao

    Có lẽ, khi Tết đến, bất cứ ai cũng mong được sống và được đoàn tụ với gia đình, những cư dân xóm chạy thận cũng vậy. Xuân về cũng là lúc khát khao được sống của họ mãnh liệt hơn bao giờ hết.

    Ông Dương Văn Huân, SN 1955, quê Bắc Giang, người 21 năm ngụ ở xóm chạy thận buồn rầu bảo: "Nửa đời người chạy thận và ăn Tết xa nhà, tôi đã quá quen với cảnh đơn độc. Những ngày giáp Tết, tranh thủ đi nhặt ve chai kiếm tiền, nhìn thấy hoa đào nở, các gia đình đưa đón nhau đi sắm Tết, tôi thấy lòng thắt lại. Chỉ thương những người mới “nhập cư” vào xóm chạy thận. Tết này không được về chắc họ cảm thấy cô đơn, nhớ nhà lắm. Chúng tôi cũng từng phải trải qua những chuỗi ngày "ngục tù" như vậy".

    Ông Huân tâm sự, những con người nơi đây đều nghèo như nhau và cùng chung một mục đích là giành giật giữa sự sống và cái chết. Họ kiệt sức, đau đớn toàn thân nhưng vẫn phải bươn chải đủ nghề để trang trải. Có người đi đánh giày, người khỏe hơn thì chạy xe ôm, còn phụ nữ chủ yếu là bán trà đá và nhặt giấy vụn. Đó là nghị lực sống và niềm khao khát được sống dù biết rằng, căn bệnh này sẽ chẳng bao giờ khỏi, mọi sự cố gắng chỉ là còn nước còn tát mà thôi.

    "Tết về, chúng tôi ăn bánh chưng của những cháu sinh viên tình nguyện mang đến. Nhận được gói quà của các nhà hảo tâm, những con người đang cận kề cái chết như chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng. Thì ra, trong sự bộn bề của cuộc sống vật chất, thực dụng, vẫn có nhiều tấm lòng, trái tim hướng về những con người khốn khổ. Hôm qua anh Tuấn "tổ trưởng" nói rằng đã có 3 đoàn tình nguyện gọi điện đến nói rằng sẽ tặng quà Tết. Chúng tôi vô cùng xúc động...", bác Huân chia sẻ.

    Những cư dân xóm chạy thận đang tập trung để đón nhận quà từ những nhà hảo tâm.

    Đúng là ở những nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang hiện hình rõ rệt nhất mới thấy được tình người nó lớn lao biết chừng nào. Những gói quà, tấm bánh từ lòng hảo tâm của xã hội như ánh sáng mặt trời khiến cho xóm chạy thận vốn tối tăm ẩm thấp như ấm lại.

    Và đối với những người không may mắn mang vào mình cái án "chung thân", Tết của họ không hoa đào, không sung túc như trong ký ức nhưng dù đón giao thừa ở đâu, mỗi giây được sống với họ cũng đều đáng quý.

    Vẫn mong được cống hiến cho đời

    Mặc dù phải đối mặt với bệnh tật và muôn trùng khó khăn nhưng các cư dân chạy thận vẫn mong muốn được cống hiến cho xã hội. Đó là trường hợp của anh Quân (33 tuổi), một người 5 năm chạy thận mở tiệm may mặc và tạo việc làm cho cả chục người. Đó là bà Minh (56 tuổi, 9 năm chạy thận), chủ cửa hàng rau sạch hàng ngày vẫn mang thực phẩm về phát miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ… "Tổ trưởng" Mai Anh Tuấn cho biết, đó là những tấm gương vượt lên chính mình ở xóm "bị kết án chung thân".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khat-vong-chay-cua-nhung-ngon-nen-o-xom-chay-than-khi-tet-den-a82811.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nỗi đau ở “xóm tâm thần”

    Nỗi đau ở “xóm tâm thần”

    Xóm núi Eo Sơn, xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) lâu nay được biết đến bởi cái nghèo, cái đói. Nay về xóm lại chứng kiến thêm nhiều mảnh đời éo le, bất hạnh. Lâu nay, người ta thường gọi Eo Sơn bằng cái tên đau thương hơn - “Xóm tâm thần”.

    Những con người lạc quan ở

    Những con người lạc quan ở "xóm chạy thận"

    Nằm sâu trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội, là khu trọ tồi tàn mà người dân nơi đây quen gọi với cái tên “xóm chạy thận nhân tạo”.Khó khăn là thế nhưng họ vẫn gắn bó, đùm bọc nhau, cùng vượt qua hoạn nạn, chống chọi với bệnh tật và cùng nhau chia sẻ những tiếng cười lạc quan giữa những lo toan, đau đớn hàng ngày. Có đến thăm “xóm chạy thận nhân tạo” một lần, ta càng thêm trân quý tình cảm ấm áp giữa những con người xa lạ.