+Aa-
    Zalo

    Khánh Hòa: Nhiều tuyến đường "thất thủ", người dân huyện miền núi bị cô lập hoàn toàn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cơn bão số 9 gây mưa lớn đã khiến tỉnh lộ 9, tuyến đường nối liền huyện miền núi Khánh Sơn với vùng đồng bằng Cam Ranh – Câm Lâm (Khánh Hòa) "thất thủ" hoàn toàn.

    Ngay từ chiều 25/11, cơn bão số 9 gây mưa lớn đã khiến tỉnh lộ 9, tuyến đường độc đạo nối liền huyện miền núi Khánh Sơn với vùng đồng bằng Cam Ranh – Câm Lâm (Khánh Hòa) "thất thủ" hoàn toàn. Hàng chục điểm sạt lở nặng, có điểm bị đứt đường khoảng 100m, giao thông tắc nghẽn cả 2 chiều gây khó khăn cho việc sửa chữa.

    Cận cảnh tỉnh lộ 9 bị đứt mạch vì mưa bão tại Khánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa

    Ngày 26/11, trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa thông tin, mưa lớn ở phía tây nam tỉnh Khánh Hòa làm tuyến đường tỉnh lộ 9 bị sạt lở, "đứt" đường khiến huyện miền núi Khánh Sơn bị cô lập.

    Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện nay tại tuyến tỉnh lộ 9 có nhiều điểm sạt lở, hư hỏng nặng. Cụ thể, tại Km17+900 bị đứt đường dài 30m, rộng 7,5m và tại Km22+000 sạt lở vách núi nghiêm trọng khiến giao thông bị tắc nghẽn 2 chiều hoàn toàn.

    Tỉnh lộ 9 "thất thủ" khiến huyện miền núi Khánh Sơn bị cô lập. Ảnh: Dân Trí

    Trên tuyến tỉnh lộ 3 từ xã Phước Đồng (TP Nha Trang) đi quốc lộ 1 (huyện Cam Lâm) cũng bị sạt lở nghiêm trọng tại Km4+650 khiến tắc nghẽn dòng chảy qua cầu.

    Đại lộ Nguyễn Tất Thành, tuyến đường đèo huyết mạch từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh cũng bị lở núi nhiều vị trí khiến giao thông đi sân bay Cam Ranh bị tê liệt một thời gian.

    Trong khi đó, tuyến đường đèo Nha Trang – Đà Lạt trên quốc lộ 27C, cửa ngõ phía tây tỉnh Khánh Hòa hiện nay đã bị phong tỏa, đóng đèo từ 17h30 ngày 25/11 do mưa lũ gây sạt lở tại nhiều vị trí.

    Theo Chi cục quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục đường bộ VN), trong 2 ngày qua đã có hơn 16.000m3 đất đá trên tuyến đèo này bị sạt lở, đe dọa người tham gia giao thông.

    Tuyến quốc lộ 27C đường Nha Trang - Đà Lạt chính thức bị phong tỏa. Ảnh: Dân Trí

    Về thống kê thiệt hại ban đầu, tại xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên địa bàn. Cụ thể, khoảng 60 ao, đìa của bà con bị mưa lớn tràn về làm vỡ bờ bao, trôi hết tôm và ốc, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 10 tỷ đồng.

    Tại xã Cam Lập, đường nối liền 2 thôn Nước Ngọt và Bình Lập bị nước lũ cuốn trôi mất một đoạn dài đến 50m, gây chia cắt; 2 ngôi nhà trên đảo Bình Ba bị mưa lũ làm sập, tài sản bị cuốn trôi, may mắn không có thiệt hại về người.

    Sạt lở nghiêm trọng ở phía rừng đổ tràn về đường tỉnh lộ 3 đoạn qua xã Phước Đồng. Ảnh: Dân Trí

    Tại huyện Cam Lâm, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản của người dân bị thiệt hại, song hiện chưa được thống kê.

    Tại xã Cam Hoà, khoảng 20ha đìa nuôi tôm, cá của 30 hộ dân tại thôn Văn Tứ Đông bị vỡ, khoảng 25 hộ dân bị chia cắt do nằm tại các vùng trũng, nhiều tuyến đường liên thôn bị xói lở. Còn tại xã Cam Phước Tây, toàn bộ diện tích hoa màu của bà con bị ngập úng...

    Người dân di chuyển trên các tuyến được bị sạt lở nặng vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Báo Khánh Hòa

    Tại thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, 34 hộ dân trong khu vực gần chân núi được di dời. 7 hộ dân tại khu vực Đồng Bà Thìn (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) được sơ tán.

    Được biết, ngay từ sáng sớm 25/11, lực lượng quân đội khẩn trương giúp dân ứng phó mưa lũ ở Khánh Hòa. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã đưa phương tiện đến các khu vực xung yếu bị ngập, sạt lở để ứng cứu người, di chuyển tài sản của dân tới nơi an toàn.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khanh-hoa-nhieu-tuyen-duong-that-thu-nguoi-dan-huyen-mien-nui-bi-co-lap-hoan-toan-a252650.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan