Kết quả tại đảo Trí Nguyên và 8 thôn ở Khánh Hòa đã cho thấy việc thả muỗi phòng sốt xuất huyết có hiệu quả, số ca mắc sốt xuất huyết giảm.
VTV News đưa tin, sau 1 năm thả muỗi phòng sốt xuất huyết, đảo Trí Nguyên đã không còn bệnh nhân sốt xuất huyết, còn tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, số ca mắc sốt xuất huyết từ gần 30 ca nay chỉ còn 9 ca.
Chương trình thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết ở Khánh Hòa được tiến hành từ 1 năm trước. Ảnh: Dân trí |
Người dân ở đây cho biết rất lo lắng, bởi khi mới thả muỗi có vi khuẩn Wolbachia thấy nhà nhiều muỗi hơn, nhưng chỉ sau một thời gian muỗi bớt dần và không thấy muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết, Zika.
Các chuyên gia cho biết, muỗi được thả đã được tiêm tác nhân sinh học là vi khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn làm cho muỗi Aedes aegypti - loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết giảm tuổi thọ và không sinh sản được.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, loài muỗi không có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, Zika và một số bệnh khác không gây hậu quả về mất cân bằng sinh thái.
Theo Vnexpress, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Phòng bệnh bằng cách diệt loăng quăng, bọ gậy, ngủ màn tránh muỗi đốt...
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 80.000 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương đang là điểm nóng của dịch là Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM...
Việt Nam hiện là 1 trong 13 quốc gia tham gia thử nghiệm thả muỗi phòng chống sốt xuất huyết.
Minh Khôi(T/h)