Do thiếu hiểu biết, nhiều người đã mắc phải những sai lầm trong việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết dẫn đến các tác hại khôn lường.
BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã chỉ ra những sai lầm trong việc chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết khiến cho bệnh nặng thêm và có nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Những triệu chứng sốt xuất huyết có thể dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, sốt phát ban nên bệnh nhân thường chủ quan tự điều trị tại nhà. Khi bệnh trở nặng, mới đến bệnh viện thì đã muộn. Điều quan trọng nhất phải xác định nguyên nhân gây sốt. Với các bệnh truyền nhiễm hết sốt là mừng, riêng sốt xuất huyết thì hết sốt bệnh sẽ diễn tiến nặng” – BS. Thanh Phong cho hay.
1. Thuốc hạ sốt, giảm đau
Một bệnh nhân cao tuổi ở Vũng Tàu đã phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết dưới da, lở loét, mụn nhọt quanh vùng miệng vì sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, tưởng mình bị cảm cúm bình thường nên tự mua thuốc hạ sốt uống 6 ngày liền. Sau thấy bệnh không thuyên giảm mới đi bệnh viện khám và chẩn đoán ra mắc bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết không tự ý dùng thuốc khi mắc bệnh. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô |
Việc tự ý dùng thuốc không đúng trong điều trị sốt xuất huyết sẽ gây xuất huyết nặng, có thể dẫn đến tử vong. Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân chỉ được dùng paracetamol (tylenol, panadol) để hạ sốt, giảm đau. Những ngày đầu, tình trạng sốt cao thường khó hạ, một số người bệnh tự ý uống hoặc uống nhiều thuốc dẫn đến quá liều.
“Với loại thuốc này chỉ dùng cho 1-2 liều đầu tiên theo hướng dẫn: 10-15mg/kg/lần, uống 4-6 lần/ ngày. Tuyệt đối không tự ý tăng liều. Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị, nhưng uống thuốc số lượng lớn sẽ gây tổn thương gan: suy giảm chức năng gan, ngộ độc gan,…” – BS. Phong phân tích.
2. Thuốc kháng sinh
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Do vậy, bệnh nhân không được dùng aspirin và ibuprofen. Mặc dù thuốc có chức năng hạ sốt, chống viêm không steroid nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu.
Khi dùng hai loại thuốc trên để điều trị sốt xuất huyết sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu và đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ của thuốc như: Ợ nóng, buồn nôn, khó tiêu, viêm loét dạ dày…
3. Truyền dịch
Người bệnh sốt xuất huyết không tự ý truyền dịch nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa |
Một số người thường có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi bệnh nhân ra viện để bồi bổ sức khỏe là không nên vì giai đoạn này cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh sốt xuất huyết, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
4. Uống oresol
Bệnh nhân sốt xuất huyết được khuyến cáo cần uống nhiều nước: Oresol, nước trái cây… Nhiều người phạm lỗi pha oresol không đúng liều lượng, do quan niệm oresol là thuốc nên bệnh nhân chỉ cần uống 2 gói pha trong ít nước là đủ mà không hề nghĩ như vậy sẽ dẫn tới rối loạn nước điện giải cho cơ thể.
Việc bù dịch bằng đường uống cho bệnh nhân sốt xuất huyết cần được tiến hành đúng chỉ dẫn. Ảnh minh họa |
Lại có trường hợp, bệnh nhân không uống đủ nước trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều nước trong giai đoạn hết sốt gây thừa nước có thể phù phổi cấp, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Do vậy, bệnh nhân không nên sốt ruột, khi thực hiện tốt việc bù dịch bằng đường uống, các triệu chứng sau 5-7 ngày thuyên giảm thì người bệnh sẽ ăn ngon miệng và thời gian hồi phục sẽ mất 1 tuần sau đó.
5. Thức ăn, đồ uống có màu đỏ, nâu, đen
Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh dễ bị ói, cho nên cần hạn chế không ăn các thức ăn đồ uống có màu đỏ, nâu, đen. Khi bệnh nhân ói, sẽ không thể phân biệt đó là dịch lẫn màu thực phẩm hay có xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc theo dõi bệnh.
Thực phẩm thích hợp cho người bệnh những món ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa, tránh ăn những món dầu mỡ khó tiêu.
6. Cạo gió
Ở một số nơi vẫn còn tập quán "cạo gió","cắt lễ" khi bị sốt. Việc làm này dễ khiến người bệnh bị bầm da, chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ dụng cụ cắt da.
7. Vệ sinh tắm rửa
Nhiều người kiêng không tắm rửa vì nghĩ tắm sẽ khiến bệnh nặng hơn. Thực tế, bệnh nhân vẫn nên tắm nước ấm, trong phòng kín gió để giữ vệ sinh thân thể. Đồng thời, trong giai đoạn sốt, tắm nước ấm cũng là cách hạ sốt không dùng thuốc.
8. Tái mắc bệnh sốt xuất huyết
Nhiều người nghĩ rằng mình đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại. Thực tế, sốt xuất huyết hiện tại có 4 type virus Dengue gây bệnh, nên bạn vẫn có thể bị sốt xuất huyết trở lại khi nhiễm type virus khác lần đầu.
Nói chung, khi phát hiện có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời điều trị, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, người dân nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân như: Nằm màn khi ngủ, mặc quần áo dài, mang tất, dùng các chất có tác dụng đuổi muỗi dạng kem xoa, bình xịt… Người dân cần lưu ý, lựa chọn sản phẩm xua muỗi được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực và hạn sử dụng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm.
Minh Khôi(T/h)