Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: "Việc giám sát, phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ là rất quan trọng. Đặc biệt, tại Khánh Hòa, nhóm có nguy cơ cao với bệnh đậu mùa khỉ khá đông, đó là người nhiễm HIV, người quan hệ đồng giới...
Nhóm này được chúng tôi tuyên truyền đầy đủ kiến thức phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài tuyên truyền trực tiếp thì còn áp dụng biện pháp gián tiếp, tuyên truyền dạng lồng ghép với các hoạt động khác...".
Bên cạnh việc chú trọng phòng bệnh cho nhóm nguy cơ cao, bác sĩ Tôn Thất Toàn cũng nhấn mạnh: "Khánh Hòa là địa phương trọng điểm về phát triển du lịch nên song song với việc giám sát khách du lịch trong nước, ngoài nước đến Khánh Hòa thì chúng tôi cũng tuyên truyền sâu rộng cho các chủ cơ sở lưu trú nắm bắt rõ về bệnh đậu mùa khỉ.
Hầu hết mọi người đều đã hiểu rõ, việc lây truyền bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu khi tiếp xúc trực tiếp, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh…
Các triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban ở bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục...
Sau khi hiểu rõ về bệnh đậu mùa khỉ, nếu phát hiện ra ca bệnh nào, các cơ sở lưu trú sẽ báo cho ngành y tế để có biện pháp cách ly, xử lý nhanh và hiệu quả".
Cũng theo bác sĩ Tôn Thất Toàn: "Nhờ giám sát và triển khai mạnh các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nên đến nay, tỉnh Khánh Hòa chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, để luôn chủ động thì địa phương cũng đã có kịch bản kiểm soát, xử lý trong trường hợp xuất hiện ca bệnh".
Liên quan đến việc phòng bệnh đậu mùa khỉ, lãnh đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết: "ngay tại Sân bay quốc tế Cam Ranh, công tác giám sát bệnh đậu mùa khỉ được làm rất cẩn thận, không lơ là.
Đặc biệt, từ đầu tháng 10, khi TP. Hồ Chí Minh ghi nhận một số ca mắc đậu mùa khỉ thì chúng tôi rà soát lại tất cả các hướng dẫn, kế hoạch đã ban hành từ trước để lựa chọn biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ một cách hiệu quả nhất.
Hành khách đến từ các vùng đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ hoặc nguy cơ với đậu mùa khỉ được giám sát chặt chẽ".
Được biết, tại Sân bay quốc tế Cam Ranh, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay, lực lượng kiểm dịch y tế sẽ tiến hành giám sát ngay các triệu chứng, dấu hiệu của hành khách.
Khi phát hiện người nào có các dấu hiệu bất thường như chỉ số thân nhiệt vượt quá mức độ cho phép thì sẽ được tiến hành kiểm tra. Từ đó có các đánh giá, xử lý chính xác.
Để chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ Tôn Thất Toàn cũng khuyến cáo: "mỗi người dân hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không khạc nhổ bừa bãi, giữ vệ sinh nơi ăn, chốn ở sạch sẽ.
Nếu khi thấy trên bàn tay, chân, ngực...phát ban kèm theo một trong những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ như sốt, đau cơ...nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn".
Từng mắc đậu mùa khỉ rồi có tái nhiễm không?
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ( HCDC), hiểu biết của chúng ta về khả năng miễn dịch sau nhiễm bệnh đậu mùa khỉ kéo dài bao lâu vẫn còn hạn chế.
Chúng ta chưa hiểu rõ việc nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trước đây có tạo ra miễn dịch với bệnh này trong tương lai hay không, và nếu có thì miễn dịch đó kéo dài trong bao lâu.
Do đó, ngay cả khi bạn đã bị bệnh đậu mùa khỉ trước đây, bạn vẫn cần thực hiện mọi biện pháp phòng bệnh để tránh bị tái nhiễm bệnh.
Nếu bạn đã bị mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đây và có ai đó trong gia đình hiện mắc bệnh này, bạn có thể bảo vệ những người khác bằng cách hãy là người chăm sóc cho người bệnh bởi vì có nhiều khả năng là bạn đã có miễn dịch hơn so với những người khác.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để tránh bị nhiễm bệnh, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.
Thùy Dung(T/h)