Chiếc quan tài được tìm thấy khi một nhóm công nhân đang khai thác tại núi Turki, Thông Liêu, Nội Mông, Trung Quốc vô tình làm nổ tung một lăng mộ cổ.
Sau khi báo cáo tình hình tới cơ quan quản lý địa phương, cảnh sát cùng một nhóm khảo cổ đã tới hiện trường thực hiện công cuộc nghiên cứu.
Lăng mộ được tìm thấy không quá lớn, qua quan sát thiết kế chạm khắc trên đồ tùy táng thì nhóm khảo cổ kết luận ngôi mộ được tìm thấy thuộc thời nhà Liêu. Được biết, lăng mộ này ít nhất cũng tới 1.000 năm tuổi.
Gần như các món đồ tùy táng bên trong lăng mộ vẫn còn nguyên vẹn. Số lượng đồ tùy táng lên tới 200 món. Đa số chúng là cốc pha lê, dao găm, yên ngựa, hoa tai, vòng cổ…
Tuy nhiên, thứ mà các nhà khảo cổ quan tâm nhất lúc này là chiếc quan tài có màu đỏ. Bên trên quan tài có khắc nhiều hoa văn chim phượng, hoa và mây. Xung quanh nắp quan tài treo nhiều quả chuông nhỏ cùng nhiều đồ trang trí khác. Từ đây có thể kết luận, chủ nhân của lăng mộ là người thuộc hoàng gia nhà Liêu.
Sau khi mở nắp quan tài, các nhà khảo cổ thấy một thi hài không đeo mặt nạ kim loại như các vị hoàng thân quốc thích người Khiết Đan khác. Người nằm trong quan tài đeo một chiếc vương miện bằng vàng, đầu đội mũ bông, tóc được tết 2 bên. Bên trên mặt phủ 1 lớp vải lụa thêu hoa văn. Theo quan sát, đây có thể là một người phụ nữ.
Các chuyên gia thống nhất chụp X-quang thi hài người phụ nữ rồi mới gỡ bỏ lớp vải phủ bên trên. Khi họ vừa vén lớp vải thì một chất lỏng bí ẩn tràn ra. Một vài người thấy vậy liền hét lớn: “Chạy mau, nguy hiểm chết người đó!”.
Cuối cùng, nhóm chuyên gia phải mặc đồ bảo hộ mới có thể tiếp tục làm việc. Hóa ra, chất lỏng kỳ lạ đó chính là thủy ngân, một chất kịch độc có thể dễ dàng lấy mạng người chỉ với một lượng nhỏ. Người Liêu xưa thường có phong tục đổ thủy ngân lên xác người đã mất để bảo quản. Vì vậy, thi hài người phụ nữ này mới giữ được trạng thái nguyên vẹn như vậy.
Sau khi xét nghiệm ADN, các chuyên gia phát hiện ra thân phận chủ nhân của lăng mộ không hề tầm thường. Bà chính là công chúa Dư Lư Đổ Cô, em gái của vua Liêu Thái Tổ. Kết quả xét nghiệm ADN của bà hoàn toàn khớp với vị quốc vương này, điều này chứng tỏ hai người có cùng quan hệ huyết thống.
Theo ghi chép thì Đại Liêu đối đầu với Bắc Tống hơn 160 năm. Cuối cùng, nước tiêu diệt Đại Liêu lại là tộc người Nữ Chân (Niizhen) từng phụ thuộc tộc người Khiết Đan.
Thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Wanyan Aguda (Hoàn Nhan A Cốt Đả) dẫn đại quân công thành cướp đất Đại Liêu. Khi đất chiếm đã đủ rộng, dân đinh đã tương đối nhiều, A Cốt Đả liền dựng nên nhà Kim năm 1115. Mười năm sau, nhà Kim thay thế vương triều Khiết Đan.
Một bộ phận người Khiết Đan may mắn sống sót tập hợp các thành viên hoàng gia di tản về phía Tây, dựng nên triều Tây Liêu tại vùng Tân Cương. Họ lập nước Ha Lạt Khiết Đan (Hala Qidan). Đế quốc này một thời cường thịnh nhưng cuối cùng lại bị đại quân của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) tiêu diệt. Về sau, thế lực tàn dư Khiết Đan dạt tới miền Nam Iran ngày nay và dựng nên vương triều Qierman. Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi.
Thùy Dung (t/h)