(ĐSPL) - Một công dân Việt làm muốn kết hôn với công dân nước ngoài, đang sống và làm việc tại Việt Nam thì cần những giấy tờ gì trước khi đăng ký kết hôn?
Đối tượng thực hiện
- Công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại Hà Nội kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam;
- Công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú nhưng có đăng ký tạm trú tại Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật về cư trú kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam.
- Công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài (một trong hai bên hoặc cả hai bên có đăng kư thường trú hoặc đăng ký tạm trú theo đúng quy định pháp luật về cư trú tại Hà Nội)
- Công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam (một trong hai bên hoặc cả hai bên có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú theo đúng quy định pháp luật về cư trú tại Hà Nội)
- Công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài (có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội) đăng ký kết hôn với công dân nước ngoài tại Việt Nam.
- Người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam (một trong hai bên có đăng ký thường trú tại Hà Nội hoặc một trong hai bên có đăng ký tạm trú tại Hà Nội nếu cả hai đều không đăng ký thường trú tại Việt Nam)
Một trong hai bên nam – nữ đăng ký kết hôn nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Tư pháp.
Không chấp nhận việc nộp hồ sơ qua người thứ 3
Nơi tiếp nhận: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính - Sở Tư pháp
Kết hôn có yếu tố nước ngoài cần những loại giấy tờ gì? |
Yêu cầu, điều kiện thực hiện
1. Việc kết hôn không được nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi;
2. Điều kiện kết hôn đối với công dân Việt Nam :
+ Nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên;
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
+ Việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Luật hôn nhân và gia đình.
3. Các trường hợp cấm kết hôn đối với công dân Việt Nam:
+ Cấm kết hôn giữa những người đang có vợ hoặc có chồng
+ Cấm kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
+ Cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người từng là cha , mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; bố dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng.
+ Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính
4. Điều kiện kết hôn đối với người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: người nước ngoài tuân theo pháp luật vể điều kiện kết hôn của nước họ là công dân và đồng thời tuân theo quy định về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình.
5. Điều kiện kết hôn đối với người nước ngoài kết hôn với nhau tại Việt Nam, trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: người nước ngoài tuân theo pháp luật vể điều kiện kết hôn của nước họ là công dân (hoặc thường trú : đối với người không quốc tịch) và đồng thời tuân theo quy định về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình.
6. Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ phải có mặt và cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn.
7. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức tại trụ sở Sở Tư pháp.
Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ yêu cầu gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn thì được gia hạn nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND TP ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Hết thời hạn này nếu hai bên không đến tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp báo cáo UBND Thành phố và lưu Giấy chứng nhận trong hồ sơ .
Nếu hai bên vẫn có yêu cầu kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
8. Những trường hợp từ chối đăng ký kết hôn:
- Một trong hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Việt Nam;
- Bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân howjc thường trú đối với người không quốc tịch;
- Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định;
- Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn;
- Một hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng;
- Một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
- Các bên kết hôn là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời;
- Các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; bố dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng.
- Các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ)
- Nếu kết quả phòng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.
9. Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên nam – nữ không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại
Hồ sơ để đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cần những loại giấy tờ gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 20 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu quy định;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
Ngoài giấy tờ quy định nêu trên, tùy từng trường hợp bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:
- Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó;
- Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì còn phải có giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì còn phải có giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp, trừ trường hợp pháp luật của nước đó không quy định cấp giấy xác nhận này.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]Rs3thpDkV8[/mecloud]