Người đàn bà tên Nghĩa này có liên quan đến một vụ án rất đỗi phức tạp gắn với nạn cầm cố, cho vay, lừa đảo, bắt giữ người trái pháp luật, đòi nợ thuê, chạy án…
Ở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm cách đây 3 tháng, thị Nghĩa bị xét xử với 2 tội danh: “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Sau phán quyết của tòa, Nghĩa có đơn xin giảm nhẹ hình phạt với lý do không cố ý vi phạm 2 tội danh trên, đặc biệt là tội Cưỡng đoạt tài sản vì không động đến số tài sản mà các đồng bọn cưỡng đoạt của người bị hại.
Đây được xem là vụ án điển hình mang nhiều thông điệp cho những ông bà chủ chuyên cầm cố giấy tờ nhà, các băng nhóm đòi nợ thuê và cả những kẻ thích giải quyết ân oán, nợ nần bằng luật ngầm, bằng xã hội đen thay vì cậy nhờ… luật pháp!
Nghĩa tên đầy đủ là Trần Thị Mỹ Nghĩa, 65 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM. Theo hồ sơ vụ án, Nghĩa là dì ruột của Đỗ Trần Uyên Hạ, 32 tuổi, ngụ thành phố Vũng Tàu. Hạ là dân làm ăn lớn có máu mặt chuyên cầm cố nhà đất của những người có nhu cầu cầm cố nhanh tài sản đổi lại phải chịu lãi suất cao hơn quy định của ngân hàng.
Trong một phi vụ làm ăn với đối tượng Nguyễn Cao Minh Ngọc người tỉnh Khánh Hòa, vì chủ quan mà Hạ bị người phụ nữ này cho ăn trái đắng với cú lừa lên đến hơn 10 tỉ đồng. Xót của, Hạ làm liều, làm ẩu nên đã đẩy mình cùng người thân, trong đó có bà dì Trần Thị Mỹ Nghĩa vào con đường tù tội.
Thị Nghĩa lúc tòa tuyên án và Các đối tượng lúc trốn lệnh truy nã. |
Thấy thái độ bất hợp tác của ông Lịch nên thị Nghĩa lệnh cho tên đầu gấu là Thủy cùng đám đàn em áp giải đưa ông này lên xe ôtô về quận 2 để tiếp tục giải quyết vụ nợ nần. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, tên đầu gấu bất chợt đổi ý đưa ông Lịch đến khách sạn Tân Thiên Phú nằm trên địa bàn quận Thủ Đức là nơi quen biết của thị Nghĩa... để dễ bề "hành sự". Tại đây, đám côn đồ đưa ông Lịch vào phòng 105 rồi xông vào đánh hội đồng nhằm gây áp lực buộc ông Lịch phải trả tiền, nếu không chúng sẽ giết ông cùng người thân trong gia đình.
Do quá hoảng sợ nên ông Lịch đồng ý trả nợ thay cho Ngọc với tiết lộ trong tài khoản của mình ở Ngân hàng ACB hiện có 3,5 tỉ đồng. Chộp lấy cơ hội vàng, Thủy chỉ đạo cho 3 tên đàn em đón taxi đi cùng thị Hiến và Nghĩa chở ông Lịch đến ngân hàng ở quận 1 rút tiền. Nhưng do ngân hàng không có tiền mặt nên ông Lịch chỉ rút được 500 triệu đồng.
Hồ sơ vụ án cho biết số tiền rút được, ông Lịch giao hết cho thị Nghĩa. Đồng thời ông này làm thủ tục chuyển vào tài khoản của "bà dì" quyền lực số tiền 3 tỉ đồng còn lại. Đến đây, thay vì thả ông Lịch ra nhưng sợ khi "xổng" thì ông này sẽ điện thoại báo cho ngân hàng hủy việc chuyển tiền nên lệnh cho 4 tên đàn em giải ông Lịch đến khách sạn Việt Tuấn tại quận 12 nhốt lại.
Sáng hôm sau (11/12/2010), lợi dụng lúc đi vệ sinh, ông Lịch đã dùng điện thoại nhắn tin cho một người em họ đến Công an trình báo. 11h cùng ngày, công an đã giải cứu được ông Lịch và bắt giữ hai tên đàn em của Thủy là Quân và Thành.
Trên cơ sở đơn tố cáo của nạn nhân Nguyễn Đình Lịch và kết quả điều tra thu thập được, ngày 20/12 Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến 10 đối tượng có hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”, trong số đó có "bà trùm" Uyên Hạ cùng mẹ và dì là Trần Thị Mỹ Nghĩa. Nhưng Hạ cùng mẹ và dì với 2 tên đàn em của tên giang hồ Nguyễn Trung Thủy là Minh, Huy đã kịp cao chạy xa bay, nên Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Ngày 19/10/2012, Cơ quan CSĐT bắt được Minh, Huy. Đến ngày 17/12 tiếp tục bắt được Trần Thị Mỹ Nghĩa… Ngày 6/5/2013, Cơ quan CSĐT bắt được Trần Thị Mỹ Hiến. Đến ngày 7/5 thì Đỗ Trần Uyên Hạ ra đầu thú".
Giữa tháng 1/2013, khi kết quả điều tra hoàn tất, đưa vụ án ra xét xử, TAND TP HCM chỉ tuyên phạt tù 5/10 đối tượng với bản án từ 2 năm 9 tháng đến 13 năm tù vì các tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản (tên đầu gấu tên Thủy chịu án 13 năm tù giam, người cậu của Hạ là Bình lĩnh bản án 8 năm, 3 tên đàn em của Thủy tùy mức độ vi phạm chịu án 2 năm 9 tháng đến 3 năm tù vì tội Bắt giữ người trái pháp luật - PV).
Cuối tháng 12/2013, tốp bị bắt lệnh theo truy nã thứ nhất gồm thị Nghĩa và 2 tên Minh, Huy được đưa ra xử sơ thẩm, TAND TP HCM, tuyên Minh và Huy tổng hình phạt 4 năm tù giam vì tội Bắt giữ người trái pháp luật. Riêng thị Nghĩa bị tuyên 3 năm tù cho tội danh kể trên và cả tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến cuối tháng 1/2014, 2 đối tượng còn lại trong vụ án là "bà trùm" Uyên Hạ và mẹ là Mỹ Hiến cũng được đưa ra xét xử. Xét thấy 2 mẹ con vì xót số tiền đã bị chiếm đoạt mà làm điều trái pháp luật nhưng hậu quả hạn chế, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên tòa tuyên cả hai mẹ con mỗi người chịu mức án 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 5 năm.
Cuối năm 2013, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố đối tượng Nguyễn Cao Minh Ngọc về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức” với bị hại là Đỗ Trần Uyên Hạ.
Trong tổng số 10 đối tượng nhận án, trong khi các đối tượng khác, kể cả chị và cô cháu gái của mình là Uyên Hạ an phận thì Trần Thị Mỹ Nghĩa không cam tâm. Bà ta đã chống án và được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM chấp nhận đơn kháng cáo vào sáng 8/4, giảm từ 3 năm tù giam xuống còn 2 năm 9 tháng tù.
Không chỉ giảm án cho thị Nghĩa, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét hành vi đồng phạm của ông Nguyễn Đình Lịch, nếu thấy có cơ sở thì khởi tố, xử lý. Thực tế thì trong những lần thị Ngọc tới lui gặp Uyên Hạ bàn tính chuyện thế chấp, luôn có mặt ông Lịch: "Nếu chỉ là mối quan hệ bình thường thì tại sao Lịch gắn bó như hình với bóng với thị Ngọc trong suốt thời gian ấy. Và nếu không có mối quan hệ thân thiết thì ông Lịch đâu có chuyện dại dột lấy giấy tờ nhà của mình giao cho Ngọc rồi cùng Ngọc mang đi cầm cố. Từ cơ sở đó cho thấy người đàn ông này có nhiều nghi vấn, khuất tất cần làm rõ" - một luật sư phân tích.
Dù như thế nào thì về cơ bản, vụ án nhiều tình tiết và kịch tính trên xem như đã khép lại. Vụ án cho thấy trong nhiều mối giao dịch ngầm như thế, không phải lúc nào những ông bà trùm trong lĩnh vực cầm cố - những người luôn giữ thế "kèo trên" luôn nắm phần chắc ăn bởi có câu "49 gặp 50".
Thông điệp rõ ràng nhất trong vụ án này là việc giải quyết ân oán, đòi nợ bằng xã hội đen thay vì pháp luật luôn là con dao hai lưỡi, một kiểu chơi dao bén dễ đứt tay bởi đa phần việc mượn tay giang hồ như thế bao giờ cũng vượt tầm kiểm soát của người "sử dụng dịch vụ".