+Aa-
    Zalo

    Kẻ đại gia, người tay trắng trong "canh bạc" với "cây phật ngàn tay”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - “Thắng làm vua, thua ra đường”, chính sự khắc nghiệt của cuộc chơi này mà nhiều năm qua tại “thủ phủ” của loài cây đặc biệt...

    (ĐSPL) - Dù sống bằng nghề trồng cây phật thủ nhưng người dân xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) luôn phải chuẩn bị tâm lý, đang chơi một canh bạc với “ông Trời”. “Thắng làm vua, thua ra đường”, chính sự khắc nghiệt của cuộc chơi này mà nhiều năm qua tại “thủ phủ” của loài cây đặc biệt đã chứng kiến không ít câu chuyện buồn, suy, bĩ, cực...

    Canh bạc cuối năm

    Người ta nói rằng, trời phú cho dân Đắc Sở có chất đất hợp với “cây phật ngàn tay”. Chính vì thế, nhiều năm qua, vùng đất này trở thành vựa phật thủ lớn nhất miền Bắc, cung cấp sản phẩm trên toàn quốc. Cứ mỗi độ giáp Tết, những cánh đồng ở xã ven đô này lại nhuộm một sắc vàng óng ả. Xe tải lớn nhỏ ồ ạt đổ về đây để “ăn hàng” suốt đêm ngày. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên trong những năm qua minh chứng cho việc không ít tỉ phú nông dân đã “bắt mạch” được thiên nhiên. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy đâu đó có những gia đình phải ly hương, nhiều đại gia trở thành “chúa chổm” cũng vì phật thủ.

    Chị Nguyễn Thị H. (người trồng phật thủ ở xã Đắc Sở) thở dài nói với PV: “Từ khi giống cây này được đem về trồng, ai cũng hiểu được rằng chúng tôi đang chơi một canh bạc lớn. Thậm chí nhiều gia đình đặt cược cả gia sản của mình vào một mùa phật thủ. Chỉ sau một đêm, một gia đình có thể trở thành tỉ phú nhưng cũng có người nhà bị ngân hàng niêm phong. Nói chung, trồng cây phật “ngàn tay” phải có máu liều”.

    Chị H. bên cạnh vườn phật thủ đang chờ thu hoạch của gia đình mình. 

    Thấy chúng tôi có vẻ khó hiểu, chị H. giải thích, cây phật thủ một năm có thể cho thu hoạch đến 4-5 lần và rất dễ bán. Bởi, ngày rằm, mồng 1, nhiều người mua loại quả này về thắp hương cầu may mắn. Chính vì thế, khi đầu tư, một lứa thắng lớn, có người thu đến cả tỉ đồng. Nhưng, không giống như những loại cây khác, giống phật thủ giá rất cao, khoảng 130.000-170.000 đồng/gốc, kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ. “Gia đình tôi trồng hơn 1 ha phật thủ, tính riêng tiền thuê đất đã 3 triệu đồng/sào, kể cả tiền lập giàn, thuốc sâu, chi phí cũng phải gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên”, 80\% thành công của phật thủ phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ cần một trận mưa, nhiều người sẽ phải đứng đường”, chị H. buồn bã.

    Quả phật thủ được chị H. định giá 1 triệu đồng.

    Cũng theo lời người phụ nữ này, nếu trời mưa nhiều, cây có thể bị thối gốc, quả rụng hàng loạt. Khi trời nắng quá nhiều cũng ảnh hưởng đến năng suất, hình dáng và thời gian quả chín. Có những năm, trời cho thời tiết đẹp đến tháng 11 (âm lịch), phật thủ dáng đẹp, phát triển tốt nhưng chỉ mấy ngày sau, trời lại cướp đi tất cả.

    Hướng ánh mắt về những ngôi nhà cao tầng, chị H. bảo, có những gia đình chỉ sau một mùa phật thủ xây được những căn nhà 2-3 tầng nhưng cũng không ít gia đình phải bỏ xứ. Chỉ sang mảnh ruộng bên cạnh, người phụ nữ này kể về câu chuyện buồn cách đây 2 năm. Trước đây mảnh ruộng đó là của gia đình anh Nguyễn M., người đã phải “cắp” vợ con vào Nam để trốn nợ. Năm 2012, thấy nhiều người trở thành đại gia nhờ phật thủ, hai vợ chồng anh M. bàn nhau cắm sổ đất ngân hàng vay hơn 600 triệu đồng làm vốn. Do không có kinh nghiệm, lại cộng thêm sự nóng vội, muốn làm giàu nhanh, sau 8 tháng anh M. bắt đầu lập giàn, toàn bộ diện tích gần 2 ha phật thủ của người nông dân này đang thời gian cho quả bỗng nhiên thối lá và ngừng phát triển. Khi đã lâm vào tình cảnh đó, chẳng ai có thể gỡ gạc được nữa. Toàn bộ gần 2 ha quả phật thủ của anh M. phải bán buôn cho những người làm thuốc với giá rẻ như cho.

    “Tôi nhớ khi đó bình quân phật thủ có giá 70-120.000 đồng/quả thì anh M. chỉ thu được có 10.000 đồng/quả. Đến thời điểm đáo hạn ngân hàng, gia đình anh chìm trong cơn bĩ cực. Anh bán tất cả những gì mình có, kể cả mảnh đất thờ tổ tiên để trả nợ. Không mảnh đất cắm dùi, không còn kế sinh nhai, anh M. phải đưa gia đình vào Bình Dương ở nhờ nhà người em rồi đi cạo mủ cao su thuê. Khi đó, hai đứa con của anh M. cũng phải bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ. Hai năm rồi, tôi không còn nghe tin gì về gia đình ấy nữa. Những gia đình phải cuốn gói khỏi nơi chôn nhau cắt rốn thì không nhiều nhưng người lâm vào nợ nần, thành chúa chổm thì tôi chưa thể kể hết được”, chị H. kể.

    Ngồi bên cạnh, anh T, chồng chị H. bảo, dáng phật thủ là do trời vẽ, mỗi quả một dáng. Nhiều người quan niệm quả càng nhiều ngón, ngón mọng, bung lớn và màu vàng ươm là càng đẹp và được giá. Có những quả có giá hàng triệu đồng nhưng có quả chỉ bán được mấy chục ngàn đồng. Còn đối với những quả tiền chục triệu thì đếm trên đầu ngón tay, vài năm trời mới “họa” được một quả.

    “Người trồng phải biết cách phòng chống sâu bệnh và những kỹ thuật tạo hình quả mới tạo nên giá trị của vườn cây. Khi đến thời điểm lập giàn, chúng tôi phải điều chỉnh dáng cây, vít cành. Nếu trời mưa phải dùng ni lông bịt quả lại và trời nắng thì phải chắn sáng. Trước thời điểm cho thu hoạch, tôi và vợ phải cắt cử canh hàng ngày”, anh T. chia sẻ.

    May mắn hay đắt, độc ở tài “chém gió”?

    Đến bây giờ, vợ chồng chị H. cũng không dám chắc loại quả này có sự thực đem đến may mắn, tài lộc hay không. Có người nói rằng phật thủ giống như những ngón tay phật nên nó thể hiện cho sự chở che, bảo hộ cho những chủ nhân sở hữu chúng. Không ít người cũng cho rằng, những ngón tay của phật thủ giống như lưỡi dao có thể trừ tà, diệt quỷ và màu sắc vàng óng ả thể hiện cho dương khí từ mặt trời.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, chuyên gia văn hóa, phong thủy Mai Văn Sinh cho biết: “Việc loại quả này có đem lại tài lộc và may mắn đến cho người mua hay không thì chẳng ai có thể kiểm chứng được. Tôi cũng đã xuống xã Đắc Sở một vài lần và cũng nghe nhiều câu chuyện do chính người trồng thêu dệt xung quanh loại quả này, như có người thăng quan tiến chức, kinh doanh trúng quả sau khi thờ phật thủ. Tuy nhiên, tất cả những câu chuyện này không ai có thể kiểm chứng được. Có lẽ, nhờ những câu chuyện đó và cái tên phật thủ nên loại quả này mới có giá đắt khủng khiếp đến như vậy. Bởi từ trước đến nay, người Việt luôn quan niệm bất cứ món đồ nào liên quan đến “Phật” đều đem lại may mắn và sức khỏe. Đi đến đâu cũng thấy người ta thờ phật thủ để mong phát lộc phát tài. Tôi cho rằng đó chỉ là một quan niệm tâm linh của người dân”.

    Cũng theo ông Mai Văn Sinh, việc bỏ cả chục triệu để mua một quả phật thủ về thờ Tết là một thú chơi xa xỉ của những kẻ lắm tiền bởi loại quả này không thể ăn được ngoài làm thuốc và làm cảnh.

    “Vẫn biết “có thờ có thiêng” nhưng trong vấn đề cầu cúng chỉ cần thành tâm, năng làm việc thiện thì mọi sự ắt hanh thông. Nếu thực sự có thế giới bên kia, có lẽ, các cụ, tổ tiên của chúng ta cũng không bao giờ vì sính lễ ít-nhiều mà phù hộ cho người này hay người khác”, chuyên gia Mai Văn Sinh bày tỏ.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ke-dai-gia-nguoi-tay-trang-trong-canh-bac-voi-cay-phat-ngan-tay-a78004.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan