Những ai từng xem bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (năm 1982) hẳn không thể quên cô Thị Nở vừa xấu, vừa ương ương, dở dở nhưng lại rất mộc mạc, chân thành trong tình yêu. Vai diễn thành công ấy đã làm cho người đóng - NSƯT Đức Lưu “một bước thành sao” nhưng cũng vô tình đẩy sự nghiệp của bà vào “ngõ cụt” khi “cái bóng” của Thị Nở quá lớn.
Vai diễn Thị Nở của NSƯT Đức Lưu trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh tư liệu. |
Khi tiếp nhận thông tin được gặp NSƯT Đức Lưu, tôi dự đoán cho mình những suy nghĩ mông lung. Bởi, Thị Nở ngoài đời khác với Thị Nở trên màn ảnh như thế nào mà sau khi vai diễn “nổi như cồn” ấy cũng là lúc sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Đức Lưu “chợt tắt”. Đem thắc mắc hỏi chính nhân vật và có thời gian tiếp chuyện bà, tôi mới thực sự hiểu rằng, cái “duyên” với nghệ thuật của bà tuy khép lại nhưng dòng chảy nghệ sĩ trong lòng một người yêu nghệ thuật vẫn vẹn nguyên.
“Thị Nở” trong phim “Làng vũ đại ngày ấy” đã được khai thác rất nhiều; NSƯT Đức Lưu cũng được người ta biết đến qua những bài báo viết về bà sau thành công của “vai diễn để đời”. Thế nhưng, “Thị Nở” ngoài đời vẫn có nhiều điều chưa kể, đặc biệt là mối tình đầu đầy say mê nhưng cũng nhiều cay đắng với tác giả của bài thơ Đồng chí – nhà thơ Chính Hữu.
Năm 1959, NSƯT Đức Lưu trúng tuyển vào trường Điện ảnh Việt Nam, lớp diễn xuất khóa I cùng các nghệ sĩ: NSND Trà Giang, Thụy Vân, Thế Anh,… Trong đợt thực tập, bà cùng các diễn viên đi thực tế ở nông trường Rạng Đông (Nam Định). Là trưởng lớp diễn xuất khóa I nên ngày thứ bảy, chủ nhật bà phải ở lại đợi đến ngày thứ hai, cùng với ông Trung Tín (phát thanh viên của Đài phát thanh Việt Nam khi đó, học lớp diễn viên cùng khóa) ở lại xin giấy nhận xét của địa phương nên không về kịp gặp người yêu. Chờ đợi sau thời gian xa nhau, những tưởng nỗi nhớ sẽ làm tác giả “Đồng chí” cuồng si hơn… nào ngờ, chiều thứ hai lên phòng Văn nghệ đưa đồ, tay đang ôm rổ trứng, rổ quà của địa phương gửi tặng thì bà bị một cái tát trái nổ “đom đóm mắt” từ chính người đàn ông mà mình đang nhớ nhung, mong ngóng. Do bất ngờ, khiến rổ trứng và rổ quà rơi vung vãi, nghẹn ngào không biết chuyện gì xảy ra, bà vội lúi húi nhặt hết đồ vào rổ rồi chạy ra ngoài khóc tức tưởi. Đôi mắt lưng tròng, bà đi bộ hết đường Lý Nam Đế để về ký túc xá Cao Bá Quát, lòng không thôi uất hận và xấu hổ. Sau đó một tuần, nhà văn Hữu Mai (lúc đó là Trưởng ban Văn nghệ) đã đứng lên thay mặt Chính Hữu bày tỏ lời xin lỗi và hàn gắn tình cảm. Nhà văn Hữu Mai đã xóa bỏ sự nghi ngờ của anh chàng cả ghen Chính Hữu. Hóa ra, hành động bộc phát của Chính Hữu khi đó là do… ghen, do nghi ngờ Đức Lưu và Trung Tín có quan hệ tình cảm.
Sau đó, tuy hiểu lầm được xóa bỏ nhưng cái tát “vô cớ” trở thành rạn nứt khó hàn gắn giữa hai người. Khi sự việc vỡ lở, bố NSƯT Đức Lưu lúc đó là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nam định bảo cô con gái: “Bây giờ Chính Hữu chưa lấy con, đã tát, đã ghen như vậy, lấy con về rồi con sẽ phải bỏ nghề. Con hãy xác định cho kỹ, một là lấy Chính Hữu, hai là bỏ nghề”. Cuối cùng, bà chọn bỏ Chính Hữu để theo đuổi nghệ thuật. Mối tình đẹp khép lại, trong niềm tiếc nuối của bao người. Mấy năm sau, bà và Chính Hữu đều có con gửi ở một trường mầm non. Đó là lần duy nhất sau khi chia tay, bà gặp lại Chính Hữu. Do trời tối, lúc đó vào 6 -7 giờ tối nên bà đã đứng khuất bên cạnh bức tường để tránh cho ông nhìn thấy…
“Thị Nở” của thì hiện tại. |
Kết thúc mối tình đầu dang dở với nhà thơ Chính Hữu, GS.TS Trần Hạ Phương là mối tình trọn vẹn nhất cuộc đời NSƯT Đức Lưu. Hạnh phúc khi có người đàn ông luôn lắng nghe, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, bà đã vơi đi những tháng năm đau khổ, dằn vặt về mối tình đầu. Đám cưới đặc biệt của bà diễn ra đúng ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11/1962 tại 57 Mã Mây. Bạn bè đến chung vui, mỗi người góp một câu chuyện vui vẻ, đám cưới diễn ra suốt 3 ngày liền.
Khép lại tất cả những vương vấn cuộc đời, bây giờ, NSƯT Đức Lưu ăn chay niệm Phật, sống vui vầy với 2 người cháu nội. Thỉnh thoảng có thời gian rảnh, bà lại bắt xe ô tô xuống ngôi chùa Hoàng Xá (Hưng Yên) làm từ thiện. Ngoài ra, bà còn giữ vị trí Hội đồng quản trị trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, mỗi năm bà vận động 50 sinh viên tình nguyện xuống địa phương làm từ thiện. Bà chia sẻ, chừng nào còn sống bà sẽ tiếp tục làm công việc thiện nguyện này. |