+Aa-
    Zalo

    Huyện Lục Ngạn - Bắc Giang: Phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2019-2025 để nâng giá trị vùng cây ăn quả trọng điểm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn song với tinh thần quyết tâm cao, đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các chỉ tiêu Đại hội đề ra cơ bản đạt và Kinh tế tăng trưởng khá.

    l6
    Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Ngạn khóa XXV 2020- 2025

    Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không chỉ ở thị trấn Chũ mà khắp các xã miền núi, vùng cao của huyện đều thay đổi rõ nét. Có được kết quả ấy là do các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. 

    Vùng cây ăn quả trọng điểm gồm vải thiều và cây ăn quả có múi được quan tâm phát triển. Toàn huyện có gần 28 nghìn ha cây ăn quả, năm nay sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn so với năm 2015. Trong đó, diện tích vải thiều duy trì ổn định gần 15,3 nghìn ha (80% được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), mỗi năm mang lại giá trị bình quân hơn 2 nghìn tỷ đồng. Diện tích các loại cây có múi tăng mạnh, đạt gần 6,8 nghìn ha, tăng 5,6 nghìn ha so với đầu nhiệm kỳ, mang lại giá trị gần 1,2 nghìn tỷ đồng/năm.

    Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện quan tâm chỉ đạo, thực hiện thành công là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này. Đến nay, Lục Ngạn đã cứng hóa hơn 1,5 nghìn km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ cứng hóa lên gần 85%, tăng 402,6% so với năm 2015. Nhiều tuyến giao thông, cầu dân sinh quan trọng kết nối trung tâm huyện với các xã ở vùng sâu, đặc biệt khó khăn cũng như huyện lân cận đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.

    Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tăng trưởng bình quân 22,47%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Diện mạo nông thôn đổi thay nhanh chóng. Hiện toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 9% so với chỉ tiêu Đại hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện rõ rệt và thực chất. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, bình quân 3,53%/năm (riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 8,3%/năm), hiện còn 4,01%.

    Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm phát triển toàn diện. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đầu tư theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87%. Chất lượng giáo dục đại trà nâng lên, chất lượng mũi nhọn ổn định. Toàn huyện có 90/94 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 95,74%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy giá trị. quốc phòng, an ninh được giữ vững.

    Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

    Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đảng viên. Chuyển biến rõ nhất trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua là hầu hết các chi, đảng bộ cơ sở đã duy trì nghiêm nền nếp và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ gắn với thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XII), Công văn số 624-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình chi bộ điểm toàn diện trực thuộc đảng bộ cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

    Các cấp ủy Đảng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh ủy. Toàn huyện hiện có 513 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong đó có 4 chi bộ sinh hoạt ghép, giảm 36 chi bộ so với đầu nhiệm kỳ. Qua đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 83- 88%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hơn 85%. Công tác phát triển đảng viên mới thường xuyên được quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ đã kết nạp hơn 1,3 nghìn đảng viên, vượt 31,1% chỉ tiêu đề ra, từ đó góp phần nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên lên hơn 78%.

    Thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ở huyện Lục Ngạn thời gian qua là do thường xuyên củng cố, xây dựng được khối đại đoàn kết, nhất là trong tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn cao. 

    Trong quá trình lãnh đạo luôn xác định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là nhân tố nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hạt nhân quan trọng trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” được đẩy mạnh. 

    Các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận trong thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm được đẩy mạnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện lựa chọn, đề ra đúng nhiệm vụ trọng tâm và tập trung cao lãnh đạo thực hiện; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

    l7

    Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái và các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm của thị trấn Chũ.

    Xây dựng vùng cây ăn quả trọng điểm

    Nhiệm kỳ 2020 – 2025, trước yêu cầu đổi mới trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích cao hơn trên các lĩnh vực. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Chú trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

    Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm thực chất. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; xây dựng đội ngũ công chức chuyên sâu, tạo nguồn cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.

    Phát huy thế mạnh vùng cây ăn quả trọng điểm, huyện tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm cây ăn quả. Phát triển chăn nuôi tương xứng với tiềm năng, mang lại giá trị thu nhập cao trong cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp.
    Quan tâm phát triển lâm nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn từ kinh tế rừng. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị; quy hoạch, xây dựng mới các khu dân cư, khu đô thị; mở mới các tuyến giao thông trọng điểm, giao thông đối ngoại và tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường do huyện quản lý, xây dựng nông thôn mới.

    l8

    Đầu tư phát triển thương mại, thu hút đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp ở thị trấn Chũ và trung tâm một số xã. Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch; phối hợp với nhà đầu tư triển khai dự án khu đô thị, du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Khuôn Thần; đồng thời chú trọng loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tâm linh và du lịch trải nghiệm nhằm khai thác tốt lợi thế vùng cây ăn quả tập trung, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

    Quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển toàn diện giáo dục. Tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, con người Lục Ngạn phát triển toàn diện, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách phúc lợi, an sinh xã hội cho người dân.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chương trình, dự án, công trình trọng điểm của huyện; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện Lục Ngạn phát triển nhanh, bền vững.

    Minh Huyền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-luc-ngan-bac-giang-phat-trien-do-thi-ket-cau-ha-tang-giao-thong-giai-doan-2019-2025-de-nang-gia-tri-vung-cay-an-qua-trong-diem-a512727.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan