(ĐSPL) - Được bạn bè tin tưởng, Nhung đã lừa đảo để lấy điện thoại, xe máy rồi mang đi cầm cố, kiếm tiền tiêu xài.
Theo báo Công an nhân dân, tối 4/12, Công an phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương), cho biết: Đã tiếp nhận nghi can Ngô Thị Nhung (SN 1996) để điều tra làm rõ về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngô Thị Nhung lúc được các "hiệp sĩ" đưa về trụ sở công an - Ảnh: báo CAND |
Báo Công an TP. HCM thông tin, lúc 19h30 ngày 29/11, Câu lạc bộ PCTP phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nhận được tin báo của chị Mai Thanh T. (SN 1997, ngụ KP.Bình Minh 1, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị bạn của mình là Ngô Thị Nhung lừa lấy một ĐT iPhone 5S và một xe máy hiệu Air Blade BS: 61D1 – 539.47.
Nhận được tin báo, các “hiệp sĩ” hướng dẫn nạn nhân đến công an địa phương trình báo và truy tìm “hot girl” gây án.
Thông qua hình ảnh, lúc 18h30 ngày 3/12, các “hiệp sĩ” phát hiện đối tượng nữ giống như nạn nhân mô tả nên mời về trụ sở Công an P.Tân Đông Hiệp để làm rõ.
Tại đây, Nhung thừa nhận đã lừa lấy điện thoại và xe máy của chị T.. Sau đó, Nhung mang điện thoại iPhone 5S đi cầm được 2 triệu đồng, còn xe máy thì Nhung đưa cho người bạn sử dụng. Số tiền cầm được từ chiếc điện thoại, Nhung dùng vào việc đi Quảng Ngãi chơi.
Được biết, Nhung đã từng lừa nhiều người bạn của mình để lấy tài sản. Hiện đối tượng Nhung và các tang vật liên quan đã được Câu lạc bộ PCTP phường Tân Đông Hiệp bàn giao cho công an địa phương điều tra, làm rõ.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tổng hợp