Theo thông tin bên lề hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND TP.Hà Nội tháng Ba và quý I/2019 mới đây (do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chủ trì), TP.Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020. Ngay lập tức, thông trên đã nhanh chóng thổi bùng giá đất tại 4 huyện kể trên. Vậy thực hư câu chuyện thế nào, PV báo ĐS&PL đã về các địa phương ghi nhận không khí giao dịch mua bán nhà đất.
Cơn sốt trở lại từ... chiêu thổi của “cò”
Tại Đông Anh, cơn sốt đất từng xuất hiện từ thời điểm năm 2015, khi hàng loạt công trình lớn được triển khai giáp với huyện này như: Cầu Nhật Tân, ga Nội Bài, cầu Đông Trù. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó giá đất trở lại bình thường. Đến cuối năm 2018 giá đất tại đây có chiều hướng tăng đột xuất, thậm chí tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm 2018.
Cầu Nhật Tân. Ảnh: Tiền Phong |
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thanh Tú, một nhân viên bất động sản (BĐS) tại huyện Đông Anh cho biết: “Giá đất nhiều nơi tại khu vực xã Đông Anh đang tăng rất mạnh. Trong đó, giá cao nhất là khu vực xã Đông Hội, Nguyên Khê, những khu gần cầu Nhật Tân và Đông Trù. Ở thị trấn Đông Anh giá đất dao động 100 - 200 triệu đồng/m2 , dọc theo đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc giá lên tới 60 triệu đồng/m2 . Khu Kim Chung, Võng La là hai khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp nên giá đất khoảng 15-17 triệu đồng/m2 . “Nhà tôi có mảnh đất rộng 4m, dài 20m ở xã Thụy Lôi đã có người đã trả 400 triệu đồng nhưng tôi không bán”, Tú Tú nói.
Trong vai người có nhu cầu mua đất, PV liên hệ với một văn phòng BĐS tại huyện Thanh Trì, được nhân viên tên Huy nhiệt tình tư vấn. Theo anh Huy, đất thuộc xã Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) đang dao động từ 50 - 65 triệu/m2, tăng từ 50 - 70 % so với vài năm trước. Tuy nhiên nếu không nhanh tay “xuống tiền” một thời gian nữa sợ không có mà mua.
Tại Gia Lâm, các khu đất thuộc đường Đào Nguyên A, An Đào A... được giới cò mồi chào bán từ 35-45 triệu đồng/m2 , tại khu vực đường Kiêu Kỵ giá rơi vào khoảng 25-35 triệu đồng/m2 , so với đầu năm đã tăng lên gần gấp đôi.
Huyện Hoài Đức luôn là điểm nóng của thị thị trường BĐS. Trước đó, quyết định phê duyệt tỉnh Hà Tây sáp nhập Hà Nội khiến các “siêu” đô thị mọc lên như nấm (KĐT An Khánh – An Thượng, Kim Chung – Di Trạch hay khu biệt thự liền kề Thiên Đường Bảo Sơn...). Các nhà thầu mong muốn thu hút được dân cư sinh sống tại đây, tuy nhiên kết quả không như mong đợi, có những khu phải bỏ dở vì không ai ngó ngàng, các KĐT xây lên bị bỏ hoang, hoặc rất ít người đến ở, “đắp chiếu” nhiều năm nay.
Bất chấp những điều đó, khi rộ lên thông tin huyện lên quận, đất lại sốt giá hơn bao giờ hết. Giới cò mồi và giới đầu tư không ngừng tìm kiếm đất thổ cư hay nhà lẻ để “ôm” và rao bán. Có mặt tại Thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội), chúng tôi được một người đàn ông tên Tùng tư vấn: “Bây giờ đất dưới này đang tăng, không mua sớm thì hết đất, mà còn giá cao hơn nữa”. Nói rồi, Tùng giới thiệu cho chúng tôi mảnh đất mặt tiền tại thị trấn Trạm Trôi với diện tích 40m2 , giá là 1,6 tỷ. “Mảnh này đang nhiều người hỏi lắm, nếu chị muốn mua thì đặt cọc trước cho bọn em, bên em giữ lại cho. Nếu không đặt cọc em không giữ được đâu...”, Tùng quả quyết.
Khảo sát từ một số văn phòng nhà đất tại thị trấn Trôi, cũng như quanh Hoài Đức PV ghi nhận được giá đất thổ cư, nhà riêng cũng đang tăng nhẹ. Tại một số xã như An Khánh, Vân Canh... giá tăng từ 3-4 triệu đồng/m2 , đẩy giá lên 18- 25 triệu đồng/m2 . Tại các khu đô thị liền kề gần Thiên Đường Bảo Sơn đã bỏ hoang nhiều năm, hiện tại giá đã tăng 37-38 triệu đồng/m2 , trong khi đó năm ngoái giá chỉ có 18-20 triệu đồng/m2 . Đắt nhất là tại mặt đường QL32 chạy dọc giá đất đẹp lên tới khoảng 120-130 triệu đồng/m2 .
Cẩn thận “sập bẫy” giá ảo
Khu biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: VietNamNet |
Giới cò mồi và môi giới sôi động là thế, nhưng thực tế khi PV hỏi một chủ đầu tư đất nhiều năm tại Hoài Đức, người này lại chia sẻ: “Không có chuyện đất tăng đột biến, đấy là do “cò mồi” tự thổi giá lên thôi, có tăng nhưng chỉ tăng nhẹ từ 3-5 triệu đồng/m2 . Giờ có ai đến hỏi, chắc phá giá tôi cũng bán”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi trường đánh giá: “Sau một quyết định hành chính nâng cấp từ huyện lên quận là giá đất chắc chắn sẽ biến động theo chiều hướng tăng giá, tuy nhiên mức tăng là không nhiều. Theo thống kê cụ thể của các hiệp hội bất động sản thì giao dịch thực tế tại các huyện trên không nhiều. Hiện giá đất tại vùng ven Hà Nội tăng cao là do những người sống bằng nghề giao dịch đất thổi giá lên. Không nên lựa chọn thời điểm này để mua vào, tránh mua phải giá ảo cao hơn thực tế”.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đề xuất nâng 4 huyện lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất phải là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.
“Hơn 10 năm trước tại Hoài Đức, Mê Linh cũng rầm rộ chuyện tăng giá đất nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có đầu tư gì thêm. Hiện tại, nhiều dự án đã hoang hoá, vậy nên đừng nghĩ đến chuyện đất lên giá khi chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại Đông Anh vẫn là đại công trường, tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, ngoài khu vực cầu Nhật Tân và trục QL5 mới còn lại vẫn mênh mông ruộng đồng. Trên thực tế chuyện tăng giá theo chủ trương, định hướng, quy hoạch thì tăng đến 5% là hợp lý, chuyện tăng 20-50% là không thể”, ông Đính nhận định.
Đặng Thủy - Di Hân
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 62