Pháp Luật TP.HCM cho biết, chiều ngày 17/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, sở GD&ĐT TP.HCM đã thông tin về kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi được tổng hợp từ các phòng giáo dục.
Theo đó, tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ ở cấp mầm non là 60,49%; cấp tiểu học và THCS (lớp 6) có tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cao hơn, lần lượt 81,19% và 87,68%.
Với kết quả như trên, sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục chuẩn bị một cách tốt nhất để sẵn sàng khi có kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi này. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức tuyên truyền thông tin lợi ích của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tạo sự đồng thuận đối với phụ huynh học sinh.
Về lo ngại trẻ không tiêm vaccine bị ảnh hưởng quyền lợi học tập, VTC News dẫn lời ông Trọng cho biết học sinh được tiêm vaccine và tham gia học tập là hai hoạt động hoàn toàn độc lập. Với trẻ chưa tiêm, ngành giáo dục sẽ có biện pháp chăm lo để bảo vệ tốt nhất, chứ không hạn chế tham gia học tập.
Được biết, để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngay từ đầu tháng 3, sở Y tế TP.HCM đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế các đội tiêm, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn.
Ngoài ra, giáo viên và nhân viên y tế tại các cơ sở giáo dục ở TP.HCM cũng được ngành y tế tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống tiêm chủng COVID-19 và quy trình tổ chức buổi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên và nhân viên y tế đã nắm rõ quy trình một buổi tiêm chủng, cách nhập liệu trên hệ thống tiêm chủng như: Cách đăng nhập hệ thống, tạo mới và chỉnh sửa thông tin đối tượng, lập kế hoạch tiêm, nhập liệu kết quả tiêm chủng, danh sách trẻ đã nhập và kết quả tiêm theo trường lớp.
Đinh Kim(T/h)