Hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc cổ phiếu DNM của Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo đó, hơn 5 triệu cổ phiếu DNM sẽ bị huỷ niêm yết trên HNX từ ngày 24/7 và ngày giao dịch cuối cùng là ngày 21/7. Nguyên nhân cổ phiếu DNM bị hủy niêm yết bắt buộc là do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Về vấn đề này, Y tế Danameco cho biết, do năm 2022 dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên doanh thu từ các mặt hàng chính của công ty giảm mạnh. Đồng thời, do không đánh giá sát sao được tình hình diễn biến dịch bệnh nên trong năm 2022, công ty vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch.
Theo đó, dù lượng máy móc mới không được tham gia vào hoạt động sản xuất trong kỳ nhưng vẫn phải trích khấu hao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng rất cao. Việc doanh thu giảm mạnh và giá thành tăng cao dẫn đến lợi nhuận năm 2022 của công ty sụt giảm.
Ngoài ra, công ty cũng đầu tư nâng cấp sửa chữa máy để đáp ứng khách hàng quốc tế, đầu tư thêm máy móc thiết bị tự động để nâng cao năng suất do vậy ở một số mặt hàng xuất khẩu. Vì vậy, công ty phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu năm nhằm thâm nhập vào thị trường quốc tế, việc này cũng góp phần làm tăng chi phí chung của công ty.
Cổ phiếu “nóng” nhất sàn HNX thời đại dịch COVID-19
Theo tờ Nhịp sống thị trường, trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, cổ phiếu DNM là một trong những cổ phiếu tăng "nóng" nhất trên sàn chứng khoán.
Theo đó, trước giai đoạn 2020, cổ phiếu này thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá và gần như không có thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1/2020, cổ phiếu này có giá 8.330 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện những ca nhiễm được phát hiện, thị giá DNM đã liên tục tăng. Chỉ sau 7 tháng, thị giá mã này đã gấp hơn 7 lần lên và đạt đỉnh lịch sử 60.190 đồng/cp với tăng khoản tăng lên vào trăm nghìn khớp lệnh mỗi phiên. Sau đó cổ phiếu có sự điều chỉnh và duy trì được mức giá trên 20.000 đồng/cp trong hơn 2 năm.
Đến tháng 3/2022, cổ phiếu này lại một lần nữa "nổi sóng" khi tăng từ mức 37.500 đồng/cp lên 63.330 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 70% sau nửa tháng. Ngay sau đó thị giá cổ phiếu này đã lao dốc và bị hủy niêm yết như hiện tại.
Danameco tiền thân là Trạm Vật tư y tế Quảng Nam - Đà Nẵng, được Sở Y Tế Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập từ năm 1976. Công ty được đổi tên thành Tổng công Y tế Danameco theo quyết định số 3596 do Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2004, và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7 năm 2005.
Đơn vị này chuyên sản xuất và phân phối vật tư y tế gồm các dụng cụ y tế đến vật tư tiêu hao gây mê và hô hấp, kim bấm phẫu thuật... Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sản xuất và phân phối cả khẩu trang, trang phục chống dịch... những vật dụng rất cần thiết trong những dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Xét về cơ cấu cổ đông của Danameco, ông Dịp Văn Minh đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu DNM, tương ứng với 24% vốn điều lệ. Tuy nhiên, vị này hiện đang không nằm trong HĐQT cũng như các cấp lãnh đạo của công ty. Cổ đông lớn thứ 2 là Chủ tịch HĐQT Võ Anh Đức với 22,45% vốn. HĐQT đơn vị này còn 2 người khác là ông Lê Văn Nam sở hữu 4,8% vốn và bà Huỳnh Thị Li Li - kiêm Tổng giám đốc.
Danameco niêm yết cổ phiếu DNM trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kể từ năm 2011. Kể từ thời điểm đó đến nay, doanh nghiệp đã đều đặn có lãi từ vài tỷ đến vài chục tỷ mỗi năm.
Đặc biệt, đến năm 2020 - khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam khiến nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao, Danameco đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục ở mức 37,1 tỷ đồng. Dù năm 2021 lợi nhuận công ty có giảm tuy nhiên vẫn cao hơn giai đoạn 2011-2019.
Nhìn lại tình hình kinh doanh trong quý I/2023, Y tế Danameco ghi nhận doanh thu đạt 50,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ (145 tỷ) và lợi nhuận sau thuế âm 23,7 tỷ đồng, trong khi chỉ số này trong cùng kỳ là 15,2 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2023, nợ phải trả của Y tế Danameco là 347 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn là 246 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 98,6 tỷ hồi đầu năm xuống còn 74 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 47,3 tỷ đồng/vốn góp của chủ sở hữu là 52,5 tỷ đồng.
Vân Anh(T/h)