Báo Lao động đưa tin, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã: AMD) do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo điểm o khoản 1 Điều 120 nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 21/12/2020.
Cổ phiếu AMD trong diện đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3 vừa qua vì công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định; đồng thời trong diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với quy định. Đến nay công ty vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch và kiểm soát.
Căn cứ quy định và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AMD theo quy định.
Theo Người đưa tin pháp luật, trên thị trường, sau nhiều tai tiếng xấu khiến thị giá AMD tụt dốc dài hạn, tất cả các phiên đều không có thanh khoản và nằm tại vùng giá “trà đá” 1.110 đồng/cổ phiếu.
Nhìn lại về lịch sử hoạt động của FLC Stone, công ty này được thành lập vào năm 2012 và chính thức lên sàn UPCoM vào tháng 10/2014 với mã AMD. Đến tháng 6/2015, AMD được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE và bắt đầu chuỗi ngày giao dịch tăng sốc, giảm sâu của mình.
Sau khi được giao dịch trên sàn HoSE, giá cổ phiếu AMD lao dốc rất mạnh, sau đó dần chuyển sang xu hướng tăng chậm trước khi có đợt tăng đạt đỉnh vào tháng 6/2017. Chưa để nhà đầu tư kịp vui mừng thì sau đó giá cổ phiếu AMD lại đảo chiều giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.
Kể từ tháng 10/2019, giá AMD duy trì đà tăng với độ dốc thấp, thanh khoảng trong mỗi phiên gần như không có. Nhìn lại hành trình lên xuống của AMD, mã này đạt đỉnh cao nhất tại mức 23.450 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2017 và thấp nhất tại ngưỡng 870 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2022.
Tính đến nay, khối lượng cổ phiếu đang niêm yết trên sàn là 163.504.874 cổ phiếu.
Được biết, nhóm cổ phiếu “họ” FLC có 7 mã gồm: FLC, ROS, HAI, ART, KLF, GAB và AMD. Trong đó, 4 mã FLC, ROS, HAI, AMD bị hủy niêm yết, 2 mã ART, GAB bị đình chỉ giao dịch. Như vậy, hệ sinh thái FLC chỉ còn duy nhất KLF giao dịch trên sàn nhưng cũng trong diện hạn chế và chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần.
Ngoài KLF, 6 cổ phiếu còn lại trong nhóm đều bị cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thao túng giá. Cơ quan điều tra xác định từ 1/9/2016 – 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái lập nhiều tài khoản để giao dịch thao túng giá với 6 mã chứng khoán FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.
Vân Anh(T/h)