Theo báo cáo thị trường trái phiếu mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 đạt 58.840 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong quý IV/2022, bất động sản là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với tổng giá trị đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 19.300 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2022, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngân hàng có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất là Techcombank (4.500 tỷ đồng), tiếp đó là VIB (3.000 tỷ đồng) và VPBank (1.950 tỷ đồng)...
Còn lại khoảng 19.404 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc về các doanh nghiệp khác, ngoài nhóm bất động sản và tài chính ngân hàng.
Về tình hình phát hành trái phiếu, trong quý III/2022, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 60.635 tỷ đồng, giảm 50,5% so với quý trước và giảm mạnh 70,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất đều là các ngân hàng, bao gồm: BIDV (6.867 tỷ đồng), OCB (6.600 tỷ đồng) và VietinBank (4.210 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ, cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm trọng yếu theo hướng nới lỏng hơn, giúp các doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ vẫn có thể tiếp cận được với kênh phát hành TPDN.
Vì vậy, VNDirect cho rằng tổng giá trị phát hành TPDN có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023.
Bạch Hiền (t/h)