Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa phát hành báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, tính đến ngày 22/11, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 11 ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng (giảm 32% so với tháng trước), trong đó nhóm tài chính – ngân hàng, chiếm hơn 48%.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là tổ chức phát hành giá trị lớn nhất trong tháng với 3.542 tỷ đồng, trong đó 3.092 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 6,45%-6,55% và lô 450 tỷ đồng lãi suất 7,1%, thời hạn 8-10 năm. Lãi suất cao nhất trong tháng là 14% ghi nhận từ đợt chào bán 1.495 tỷ đồng của Công ty TNHH DV & TV xây dựng Anh Quân.
MBS nhận định, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm ngân hàng có xu hướng nhích lên trong tháng 11 sau nhiều tháng đi ngang. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm thêm nữa.
Lũy kế 11 tháng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 233.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 11 tháng qua đạt 8,5%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 109.600 tỷ, (giảm 18% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (18.900 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (15.500 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (12.900 tỷ đồng).
Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 73.100 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 31%. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất gồm có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12.200 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô Thị Hưng Yên (7.200 tỷ đồng), CTCP Vinhomes (trị giá 5.000 tỷ đồng), tạp chí Nhà đầu tư đưa tin.
Theo báo Tiền Phong, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp có phần chững lại trong các tháng gần đây. Đáng chú ý, tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
"Uớc tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả", chứng khoán MBS nêu.
Nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so với tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, từ nay tới cuối năm tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 35.658 tỷ đồng và 39% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản.
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, để có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi. Về cơ bản chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác, khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Ông Đính lưu ý doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là “khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại nhìn nhận, kiểm tra điều kiện, từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Vân Anh(T/h)