"Sốt ruột" chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2024 - 2025 là kỳ tuyển sinh lớp 10 đầu tiên đối với học sinh tốt nghiệp THCS theo Chương trình GDPT 2018. Với số lượng học sinh nhiều nhất cả nước, hàng trăm nghìn em lớp 9 của Hà Nội đang thấp thỏm chờ phương án để kịp thời đáp ứng yêu cầu của kỳ thi được đánh giá là “nóng” nhất hiện nay.
Theo thường lệ, kỳ tuyển sinh lớp 10 của các địa phương sẽ diễn ra vào tháng 6 hằng năm. Từ nhiều năm trước, qua khai giảng vài tuần là học sinh đều biết phương án tuyển sinh của năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025 đã đi đến gần hết học kỳ 1 mà phương án tuyển sinh vẫn chưa được công bố. Điều này khiến các nhà trường, học sinh cũng như phụ huynh phải loay hoay, lo lắng, nhất là trong bối cảnh tuyển sinh lớp 10 ngày càng nhiều áp lực như tại Hà Nội.
Báo Tin tức dẫn lời em Lại Quang Huy, học sinh Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho rằng, trong chương trình học hiện nay, các em có hai môn tích hợp là Khoa học Tự nhiên (gồm ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm hai môn Lịch sử, Địa lý).
Nếu Hà Nội chọn bài thi tổ hợp làm bài thi môn thứ ba thì học sinh phải thi tới 4 hoặc 5 môn. Hơn nữa, thời điểm công bố môn thứ 3 thường vào giữa hoặc cuối tháng 3 sẽ khiến học sinh không còn nhiều thời gian để ôn tập trong khi số môn thi nhiều hơn so với các năm trước là ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Trong khi đó, theo chị Đinh Tuyết Hoa, phụ huynh học sinh Trường THCS Dương Xá (huyện Gia Lâm), các em lớp 9 năm nay là lứa đầu tiên tốt nghiệp THCS theo chương trình mới nên rất cần sớm có thông tin về phương án tuyển sinh.
Ở trên lớp, các con vẫn học đều các môn. Còn ở nhà, vì chưa biết phương án thi nên gia đình động viên con học tốt các môn, không xem nhẹ môn học nào, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, tránh tình trạng “cuống” khi kỳ thi đến gần, không còn thời gian để bù đắp kiến thức.
Sẵn sàng đáp ứng khi “chốt” phương án
Nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân.
Nội dung đề thi minh họa có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.
Trong đề thi còn có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp là: Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Lịch sử và Địa lý. Ở đề thi Khoa học tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử và Địa lý cũng có 40 câu hỏi. Cấp độ tư duy của các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Để bắt nhịp với cấu trúc đề thi của chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức thi giữa kỳ theo hình thức tập trung (trộn lớp, đánh số báo danh) với các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên. Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh Nguyễn Quốc Bình cho biết, so với năm học trước, năm nay, trường bổ sung môn Khoa học tự nhiên, báo Đại biểu Nhân dân dẫn thông tin.
Ngoài thi giữa kỳ, hàng tháng nhà trường đều có bài kiểm tra khảo sát chất lượng 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với học sinh khối 9 để có phương án bồi dưỡng kiến thức phù hợp với từng học sinh. Đồng thời, rèn cho học sinh tâm lý vững vàng khi bước vào phòng thi.
Theo các giáo viên, với hai môn Toán và Ngữ văn nằm trong danh sách các môn thi vào lớp 10, học sinh vẫn được chú trọng dạy học và tổ chức ôn tập song song. Riêng môn thứ ba, hiện chưa biết là môn độc lập hay bài tổ hợp nên nhà trường vẫn chỉ đạo tổ chức dạy học đầy đủ, nghiêm túc và tăng cường hình thức kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới để sẵn sàng đáp ứng khi Sở GD&ĐT Hà Nội “chốt” phương án.