Sở Giáo dục và Đào tạo (GD$ĐT) TP.HCM vừa chính thức có văn bản gửi Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD&ĐT góp ý lần 2 một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, trên cơ sở góp ý của các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh một số nội dung.
Đáng chú ý, về nội dung về việc tổ chức thi tuyển lớp 10 THPT, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, số môn thi là 3, gồm toán, ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Môn thi thứ ba/bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục ĐH lựa chọn 1 trong 2 phương án, được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Còn bài thi tổ hợp được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng việc quyết định môn thi thứ 3 trong kỳ thi lớp 10, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh; căn cứ chương trình GDPT 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, lịch sử, trong đó môn ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12.
Các môn còn lại gồm nhóm khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), lịch sử, địa lý, công nghệ và tin học khi lên THPT học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt 3 năm học, do định hướng nghề nghiệp của các em.
Vì vậy việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra "sốc" tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em.
Theo Sở GD%ĐT TP.HCM, việc lựa chọn môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh do đặc điểm xuyên suốt trong Chương trình GDPT 2018. Đồng thời việc lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 91-KL/TW về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học và hướng tới cho người học với xu hướng thành công dân toàn cầu trong tương lai.