(ĐSPL) - Theo giới phân tích, Việt Nam nên kiện Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý ở Biển Đông, sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa và đưa vấn đề giàn khoan Hải dương-981 ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra trước quốc tế về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng kèm theo là những hành động hung bạo nhằm áp đặt yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của đài RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Mỹ) cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế và Liên Hợp Quốc đã trở nên cấp bách. Việt Nam nên tranh thủ thời cơ thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện “vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại”.
Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam
Về cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hà Nội hôm 18/6, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói: “Kết quả cuộc hội đàm vừa qua cho thấy rằng Trung Quốc chỉ muốn dùng cơ hội để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lập đi lập lại từ trước đến nay… Rõ ràng là Trung Quốc đã mưu tính việc gia tăng áp lực đối với Việt Nam và leo thang trong khu vực Biển Đông”.
“Sau cuộc hội đàm, các tờ báo của Trung Quốc còn cho biết là phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại cuộc giữa hai nước”.
“Theo tôi, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận để nếu Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc, thì Trung Quốc nói là Việt Nam… thất hứa”.
Cần ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long,Việt Nam cần ủng hộ Philippines trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài ITLOS, theo phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc, về Luật Biển (UNCLOS). Ông nói: “Đây là việc dễ làm và nhanh nhất vì Philippines đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện chung. Philippines đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận ‘đường 9 đoạn’ hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80\% diện tích Biển Đông. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên ‘đường lưỡi bò’ xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Philippines thắng thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam cũng nên thương lượng với Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Brunei để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Trường Sa, nhằm thiết lập một liên minh trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói tiếp: “Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe dọa các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực Trường Sa. Do đó, việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Philippines, Malaysia và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt Nam nhiều nhất”.
Nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án quốc tế
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ngoài việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS, Việt Nam nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế ICJ (International Court of Justice). Giáo sư Ngô Vĩnh Long lý giải: “Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Việt Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động được dư luận trong nước và trên thế giới ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam…Vấn đề quan trọng là trong thời điểm hiện tại là phải cấp tốc chứng minh rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như an ninh của khu vực và của thế giới trước sự đe doạ và bành trướng của Trung Quốc”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói tiếp: “Cái lợi lớn nhất là qua vụ kiện, Việt Nam có thể vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và của thế giới để không những ngăn chặn sức ép của Trung Quốc, mà còn có thể được các toà án quốc tế xét xử và phán quyết rằng việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và các đảo khác ở Trường Sa là hành động sai trái… Nếu ỷ thế nước lớn và không chịu tuân theo phán quyết của toà, thì Trung Quốc sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rõ bộ mặt ngoan cố của mình và tự cô lập mình đối với cộng đồng thế giới”.
Đưa vụ giàn khoan ra Liên Hợp Quốc
Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói: “Tôi đã đề nghị đưa vụ giàn khoan (Hải Dương-981) ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu chấp pháp của Việt Nam. Theo đánh giá của tôi, đây là việc làm có hiệu quả nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới - trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức”.
Về việc Trung Quốc vào ngày 9/6 gửi “bản tuyên cáo lập trường” lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon về giàn khoan Hải Dương-981 và vu cáo Việt Nam cản trở “trái phép” hoạt động của giàn khoan bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc cả hơn nghìn lần, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói: “Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống như trên, tôi nghĩ đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra ‘đường lưỡi bò’ để lấn chiếm hơn 80\% diện tích Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và thế giới”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam thúc đẩy vấn đề này, Trung Quốc không thể ngăn chặn được vì Trung Quốc là người đã đưa vấn đề này ra trước Liên Hợp Quốc và ông Ban Ki-moon đã công bố rằng ông sẵn sàng giúp hòa giải. Tất nhiên là đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long kết luận: “Lúc này là dịp rất tốt cho Việt Nam để vận động thế giới, vận động Mỹ giải quyết cùng một lúc vấn đề đe dọa của Trung Quốc và vấn đề Hoàng Sa”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/y-kien-chuyen-gia-viet-nam-nen-kien-trung-quoc-ve-bien-dong-a38171.html