(ĐSPL) - Trung Quốc đưa hầu như toàn bộ Biển Đông vào bản đồ mới hình dọc công bố trong tuần này, thêm một hành động nữa nhằm “nuốt chửng” Biển Đông.
Bản đồ mới 10 đoạn do nhà xuất bản Hồ Nam phát hành trình bày lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo vùng biển mà Bắc Kinh nhận chủ quyền trải dài xuống các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, và Philippines.
Theo VOA, bản đồ mới ôm trọn các vùng biển đảo và bãi đá có tranh chấp, bao gồm Hoàng Sa-Trường Sa, trong cái “đường lưỡi bò 10 đoạn” ở Biển Đông, tức là có thêm 1 đoạn so với bản đồ “lưỡi bò 9 đoạn” thường được Bắc Kinh dùng làm căn cứ lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực.
|
Bản đồ mới 10 đoạn do nhà xuất bản Hồ Nam phát hành trình bày lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo vùng biển mà Bắc Kinh nhận chủ quyền trải dài xuống các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, và Philippines. |
Các bản đồ trước đây của Trung Quốc theo chiều ngang trình bày phần lãnh thổ rộng lớn trên bộ của Trung Quốc. Qua đó, các vùng biển-đảo ở Biển Đông thường được vẽ với tỷ lệ nhỏ hơn trong một ô riêng ở góc dưới bản đồ. Trong bản đồ 10 đoạn mới phát hành, các đảo và vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền được vẽ với tỷ lệ tương đương với khu vực đại lục, thể hiện Trung Quốc là một quốc gia đại dương thay vì là một quốc gia lục địa.
Giới chức nhà xuất bản Hồ Nam nói bản đồ dọc này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sự hiểu biết của công dân Trung Quốc về việc duy trì chủ quyền biển đảo.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà sử học và là một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, nhận xét ý nghĩa của hành động mới này từ Trung Quốc không đơn giản như cách Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an công luận. Ông nói: “Tất cả những hành động của họ nhằm thực hiện trong thực tế chủ quyền của họ ở ‘đường lưỡi bò’, tức 80\% diện tích Biển Đông”.Theo ông, đây là một hình thức “xâm lăng lãnh thổ của Việt Nam đã được Luật Biển quy định”.
Truyền thông Trung Quốc nói bản đồ này dự kiến sẽ được đưa vào học đường để giảng dạy cho các thế hệ trẻ của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Về chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói: “Khi giáo dục giới trẻ Trung Quốc như vậy, họ tính đường lâu dài thể hiện bá quyền trên biển lẫn trên thế giới. Họ muốn khẳng định và biến thành thực tế tất cả các vùng tranh chấp thành của họ”. Nhà nghiên cứu này cho rằng trước các hành động quyết liệt của Trung Quốc, Việt Nam phải chú tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh giáo dục ý thức chủ quyền vì công cuộc bảo vệ chủ quyền dân tộc sẽ khó khăn nếu dân chúng thờ ơ hay thiếu hiểu biết.
Thông tấn xã Việt Nam gọi bản đồ 10 đoạn của Trung Quốc là “trắng trợn”, “nuốt chửng” Biển Đông. Việt Nam lâu nay khẳng định bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Bắc Kinh đã ký kết.
Ông Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu về Biển Đông đang sống tại Anh, nói với BBC rằng việc Trung Quốc ban hành bản đồ chính thức mới chứng tỏ Bắc Kinh không thay đổi gì về lập trường. Ông nói: "Họ (Trung Quốc) vẫn đòi tất cả các đảo, họ vẫn đòi phần lớn Biển Đông và họ vẫn còn mập mờ về ý nghĩa của đường chữ U. Chiến lược của họ cho việc chiếm đoạt phần lớn Biển Đông cũng không hay đổi: đó là thực hiện việc chiếm đoạt bằng từng bước một. Việc ban hành bản đồ này là một trong những bước đó. Về đối nội, nó nhằm hun đúc thêm tham vọng của người dân Trung Quốc về Biển Đông. Về đối ngoại, nó nhằm làm cho thế giới dần dần thấy đường chữ U là bình thường."
Ông Dương Danh Huy nói thêm: "Việt Nam cũng nên đối trọng bằng cách thêm ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vào bản đồ chính thức của mình".
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90\% diện tích biển Đông, nhưng Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần của vùng biển được cho là giàu năng lượng này.
Căng thẳng gia tăng ở khu vực trong những tháng gần đây, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Bắc Kinh đã hạ đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đầu tháng trước, dẫn đến những vụ va chạm trên biển và làm bùng phát biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-nuot-chung-bien-dong-bang-ban-do-10-doan-a38280.html