Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, để hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn, ngân hàng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đồng thời hỗ trợ nhanh chóng về thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Trong giai đoạn 2021-2023, ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho vay 34.574 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm mới cho 1.243 lao động địa phương với các mô hình kinh tế như sản xuất, chế biến chè, trồng cây ăn quả, nuôi dê,... Qua đó, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG, các xã khó khăn ở huyện Hoàng Su Phì đã triển khai mô hình nuôi lợn đen bản địa liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024 đã triển khai dự án tại 07 thôn của 04 xã Vinh Quang, Tân Tiến, Tụ Nhân, Nậm Dịch với 18 hộ thụ hưởng.
Bên cạnh khuyến khích người dân tham gia các chuỗi giá trị chăn nuôi, để chủ động đảm bảo nguồn cung ứng giống trong thực hiện các dự án theo chương trình, huyện Hoàng Su Phì đã kết nối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng giống cho nhân dân, giúp người dân được trực tiếp đến tận nơi cung ứng giống lựa chọn. Đồng thời đảm bảo về giá và các yếu tố phòng, chống dịch bệnh.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức thành công hội chợ việc làm với trên 20 công ty, doanh nghiệp và 1.591 người lao động của 24 xã, thị trấn tham gia. Phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty, doanh nghiệp tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn, qua đó tạo việc làm mới cho 917 người dân.
Ngoài ra, huyện còn tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hộ dân thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo kế sinh nhai. Tuyên truyền vận động mở rộng mô hình đến các đối tượng hộ trung bình, khá, giàu thực hiện cải tạo, chỉnh trang lại vườn hộ gia đình mình, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Theo đó, tổng kết quả số hộ thực hiện đăng ký cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ - năm 2024 trên địa bàn huyện là 100 hộ, trong đó có 61 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo.
Quá trình thực hiện Chương trình MTQG trong 06 tháng đầu năm 2024, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc giúp UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tiến độ triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Cụ thể là hiện nay có một số nội dung dự án đang khó triển khai thực hiện và giải ngân do không có đối tượng thực hiện, hoặc số vốn được giao đang vượt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao như dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; tiểu dự án 2 của dự án 7 đánh giá giám sát qua theo dõi thực hiện các đơn vị vẫn chưa giải ngân.
Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, 06 tháng cuối năm 2024, HĐNĐ-UBND huyện Hoàng Su Phì tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án như dự án 2 – đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; tiểu dự án 1 của dự án 3 – hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đôn đốc triển khai thực hiện, giải ngân các dự án, tiểu dự án có đối tượng và đã được phê duyệt hoàn thành trước tháng 12/2024. Tăng cường chỉ đạo rà soát nhu cầu, khả năng sử dụng giải ngân nguồn vốn của các dự án thuộc Chương trình MTQG, báo cáo sở Lao động – Thương binh Xã hội xin chủ trương của cấp có thẩm quyền chuyển nguồn khác dự án hoặc trong cùng dự án của chương trình.
Tiếp tục cung cấp tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội (hội Phụ nữ, hội Nông dân, đoàn Thanh niên). Thực hiện cho vay đối với hộ nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, có sự chỉ đạo chặt chẽ và phê duyệt của UBND xã, sự quản lý, giám sát của trưởng thôn trong việc sử dụng vốn vay của người nghèo. Quy mô món vay và thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua chương trình hợp tác xã, kinh tế trang trại, hộ gia đình và sản xuất kinh doanh, chương trình xuất khẩu lao động, các chương trình triển khai gắn với giải quyết việc làm.
Tổ chức rà soát, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị, thẩm định, giải quyết kịp thời các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người già cô đơn, người cao tuổi,… Kịp thời hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con theo đúng chính sách dân số, chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo quy định. Từ đó góp phần đảm bảo ổn định đời sống các đối tượng khó khăn trên địa bàn huyện.